Cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm An toàn mỏ trong một lần xuống hầm lò cùng với chuyên gia Nhật Bản tại mỏ than Hồng Thái |
Một "hạt giống đỏ"
Gặp TS. Phùng Quốc Huy - Phó giám đốc trung tâm - tôi không khỏi bất ngờ khi trước mặt mình là một tiến sỹ mới ở tuổi 36 nhưng đã có “thâm niên” hơn 10 năm theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực an toàn mỏ- một lĩnh vực không hẳn mới nhưng còn rất nhiều tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất năm 1999, Phùng Quốc Huy về công tác tại Phòng Nghiên cứu an toàn – Viện KHCN mỏ. Với năng lực xuất sắc của mình, năm 2001, anh là một trong những “hạt giống đỏ” được lựa chọn làm thành viên trong dự án xây dựng Trung tâm An toàn mỏ đầu tiên của TKV theo Chương trình hợp tác và hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Sau khi dự án hoàn thành, từ năm 2004 - 2010, Huy tiếp tục giành được học bổng toàn phần đi học thạc sỹ và nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Công nghệ Kyushu (Nhật Bản) chuyên ngành khoáng sản. Trở về công tác tại trung tâm từ năm 2010 đến nay, anh luôn là một trong những nhân tố trẻ, đảm nhận vai trò đầu tàu trong hầu hết các hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực an toàn mỏ của trung tâm nói riêng và ngành than nói chung. Đặc biệt, Đề tài khoa học “Áp dụng công nghệ tháo khí mê – tan trong các hầm lò” do anh và các đồng sự thực hiện đã để lại dấu ấn thành công lớn. Đây là một trong những đề tài trọng điểm của TKV và Bộ Công Thương “đặt hàng” từ năm 2011 và đã được áp dụng thành công lần đầu tiên tại mỏ than Khe Chàm vào năm 2012. Với những hiệu quả mang lại trong việc giảm hàm lượng khí mê-tan - loại khí dễ gây cháy nổ trong khai thác hầm lò, hiện nay công nghệ này đang tiếp tục được áp dụng và phát huy tại hàng loạt các mỏ như: Khe Chàm, Mạo Khê, Quang Hanh và năm 2015 sẽ chính thức áp dụng tại mỏ than Hà Lầm.
“Với công nghệ hút khí mê-tan, hiệu quả khai thác tại các mỏ than ở Quảng Ninh đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, khi hàm lượng khí mê-tan tăng lên thì hệ thống quan trắc tập trung tại mỏ sẽ liên tục báo động và liền sau đó sẽ có 5 - 7 lần hệ thống điện của mỏ sẽ bị ngắt liên tục, dẫn đến ngưng trệ sản xuất. Tuy nhiên sau khi áp dụng công nghệ này, hàm lượng khí gần như được loại bỏ hoàn toàn, không còn hiện tượng tự động ngắt điện, bảo đảm an toàn và sản xuất liên tục cho công nhân” - anh Huy chia sẻ.
Hai cán bộ của trung tâm đang thực hiện một thí nghiệm đo nồng độ khí mê - tan |
Nhà khoa học thực hiện
Là một trong những thạc sỹ trẻ và mới “đầu quân” về trung tâm chưa đầy một năm nhưng tác phong của Phạm Ngọc Thanh Tùng đã phảng phất nét chững chạc của một nhà khoa học thực thụ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất chuyên ngành khai thác, Tùng đã thi được học bổng ngành Khoa học Môi trường tại Đại học Công nghệ Mỏ Từ Châu (Giang Tô- Trung Quốc). Về nước và nhận công tác tại trung tâm từ đầu năm 2014, anh đã được giao thực hiện một nhánh của Đề tài “Đánh giá quản lý an toàn, quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp trong khai thác hầm lò”. Năm 2014, đề tài đã được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Bộ.
Tùng cho biết, trong suốt thời gian triển khai đề tài, anh đã trực tiếp xuống mỏ than Hồng Thái, lăn lộn công việc cùng công nhân, căn cứ vào quy trình khai thác, ghi chép số liệu tổng hợp để đánh giá mức độ an toàn của các quy trình, góp phần vào thành công chung của đề tài trong quản lý rủi ro an toàn mỏ. “Là đề tài mới nên lúc đầu em cũng thấy bỡ ngỡ và rất khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc với công nhân, phát huy được những kiến thức đã học, cũng như dần làm chủ được các trang thiết bị nghiên cứu như các loại máy đo nồng độ khí, đo gió, quan trắc khí… em dần thấy đam mê với công việc hơn. Kinh nghiệm chưa nhiều nhưng được các đồng nghiệp đi trước trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, em tin là sẽ cống hiến được nhiều hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học của trung tâm” - Tùng bộc bạch.
Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước. Với trọng trách và niềm vinh dự lớn lao trong sứ mệnh bảo đảm an toàn mỏ, tin tưởng rằng bầu nhiệt huyết tràn trề và tinh thần tận hiến của sức trẻ Trung tâm An toàn mỏ sẽ khơi gợi nguồn năng lượng và cảm hứng mạnh mẽ, tạo sức bật mới, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên bước đường chinh phục những đỉnh cao khoa học vốn nhọc nhằn mà rất đỗi vinh quang! |
Nhân tố trẻ
Phùng Quốc Huy, Phạm Ngọc Thanh Tùng chỉ là hai trong số rất nhiều nhân tố trẻ của Trung tâm An toàn mỏ bởi hiện nay, trung tâm đã và đang có hàng chục thạc sỹ, tiến sỹ ở độ tuổi trên dưới 30. Đó là chưa kể đến hai tiến sỹ đang theo học tại LB Nga, 1 tiến sỹ đang theo học tại Trung Quốc cùng một số thạc sỹ đang được đào tạo tại Ba Lan, Nhật Bản chuẩn bị trở về để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Trung tâm.
Theo TS. Phùng Quốc Huy, ngành khai thác than Việt Nam hiện đã phải xuống sâu với độ âm lớn hơn, tỷ lệ khai thác than hầm lò tăng lên, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra tại nạn như: sự cố bục nước, tự cháy, áp lực lò. Do đó nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn mỏ đặt ra là rất lớn.
Chỉ riêng năm 2014, trung tâm đã thực hiện 4 nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có những đề tài trọng điểm của Bộ Công Thương giao như: “Nghiên cứu đánh giá tính tự cháy của than và đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ phòng ngừa tự cháy ở các mỏ than hầm lò Việt Nam”; “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phun khí ni tơ vào khu vực phá hỏa nhằm phòng chống cháy nội sinh tại các hầm lò vùng Quảng Ninh”; “Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn và quy trình kiểm định chống lò trong các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”…