Tốc độ tăng trưởng cao
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% GDP, trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018 (năm 2010 ở vị trí thứ 50). Tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng hơn 2 lần trong 10 năm qua, từ 40% năm 2005 lên 70,6% năm 2011 và 90,37% năm 2019.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc |
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn phòng, chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế. Các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5/2020.
Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Tập đoàn LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay, sẽ từng bước tiếp nhận sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan...
Theo Bộ Công Thương, những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới. Mặc dù vậy, tác động của dịch Covid-19 sẽ làm sụt giảm tăng trưởng chung của công nghiệp trong năm 2020 và thực hiện các mục tiêu kế hoạch 2011-2020 và 2016-2020 của nước ta.
Tái cơ cấu ngành tổng thể
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, về chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng thể nền kinh tế, tỷ trọng công nghiệp trong GDP liên tục tăng qua các năm, từ 29,71% năm 2010 lên 29,86% năm 2015 và ước 32,25% vào năm 2020. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (bao gồm cả xây dựng theo giá so sánh 2010) tăng gần 2 lần, từ 746,1 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên 1.339,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2019 và ước đạt 1.446,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2020.
Bên cạnh đó, chuyển dịch nội ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo). Tỷ trọng công nghiệp (bao gồm cả xây dựng trong cơ cấu GDP) tăng liên tục, từ 37,90% năm 2011 lên 39,72% năm 2019 và ước tăng 40,03% năm 2020, đạt mức trung bình giai đoạn 2011-2020 với khoảng 38,69%. Trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm tương ứng từ 9,9% xuống 7,4%; trong đó, trung bình năm trong giai đoạn 2011-2020 ước tăng 0,58% và giảm tới 4,3% giai đoạn 2016-2020.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực chính của tăng trưởng trong công nghiệp, có sự bứt phá giai đoạn 2016 - 2020 và trở thành ngành dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong tất cả các nhóm ngành công nghiệp. Đồng thời, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp (ước chiếm 90,1%/năm trung bình của cả giai đoạn và tăng liên tục qua các năm, từ 85,9% năm 2011 lên 92,7% năm 2019 và ước chiếm 93,0% vào năm 2020).
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song theo Bộ Công Thương, phát triển công nghiệp chưa thực sự thay đổi cơ bản theo hướng năng suất, chất lượng và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chậm, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo đạt mục tiêu đã được Chính phủ giao trong giai đoạn tới 2020 về cơ cấu lại nền kinh tế đối với ngành Công Thương, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án và Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW về định hướng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
Bộ Công Thương xác định, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp. Trong đó, tập trung cải cách thể chế để tạo đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp và tiếp tục tái cơ cấu công nghiệp. |