"Tâm điểm để phát triển ngành tôm nằm ở khâu sản xuất"
Tin hoạt động 06/02/2017 15:01
Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố cùng 50 doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, tổng diện tích nuôi tôm cả nước hiện nay là 694.399ha, trong đó tôm sú 600.399ha, tôm thẻ chân trắng là 94.246ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, xuất khẩu trên 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Tuy nhiên rất nhiều khó khăn đang bủa vây ngành tôm, nhất là khâu quy hoạch, kỹ thuật nuôi, chế biến, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Dương Thanh Bình - Bí thư tỉnh ủy Cà Mau - toàn tỉnh hiện có gần 530ha diện tích đất tự nhiên, là địa phương duy nhất có 3 phía giáp biển với 254km bờ biển; trên 10.000km sông ngòi và 87 cửa sông. Cà Mau có lợi thế lớn về nuôi trồng thủy sản đặc biệt là con tôm nước lợ. Đất nuôi tôm hiện có 278.000ha, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Cà Mau phát triển nuôi tôm bằng nhiều hình thức như nuôi siêu thâm canh (ứng dụng công nghệ cao) 175ha, nuôi thâm canh 9.600ha, nuôi quảng canh cải tiến gần 95.000ha, nuôi quảng canh truyền thống hơn 173.000ha (tôm - lúa - rừng).
Năm 2016, sản lượng tôm của Cà Mau đạt 146.000 tấn, chiếm 23% sản lượng tôm nuôi của cả nước và chiếm 32% sản lượng của đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau hiện có 34 nhà máy chế biến thủy sản, công suất khoảng 150.000 tấn thành phẩm/năm. Năm 2016, mặc dù thị trường có nhiều bất lợi nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước và tạo việc làm cho 300.000 lao động. Ông Bình đánh giá, sau 15 năm thực hiện chuyển đổi sản xuất đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, hoặc luân canh lúa - tôm, giá trị tạo ra trên cùng một diện tích đất tăng mạnh, điều này khẳng định chủ trương chuyển đổi sản xuất của tỉnh là đúng hướng và góp phần làm giàu cho địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, nền nông nghiệp nước ta ngày càng bị tụt hậu, người nông dân còn rất nghèo và đang đối mặt với nhiều thách thức, chỉ riêng tác động của biến đổi khí hậu năm qua đã lấy đi hàng tỷ USD. Điều này buộc ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu theo hướng hiện đại, tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị toàn cầu, thích ứng được với biến đổi khí hậu. Trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, con tôm là đối tượng hàng đầu, vì con tôm có điều kiện phát triển mạnh và cho giá trị cao.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn về tự nhiên, về nguồn lực và kinh nghiệm để phát triển ngành công nghiệp tôm nhưng chúng ta chưa làm được. Thủ tướng yêu cầu, tại hội nghị này các đại biểu cần thẳng thắn làm "vỡ" ra những điểm nghẽn, chỉ ra những yếu kém để đưa ngành tôm nước ta trở thành ngành công nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Đi một mình thì nhanh nhưng muốn đi dài thì phải cùng đi, đây là hướng xây dựng và phát triển của ngành tôm Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, mục tiêu của ngành nông nghiệp xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng và lợi thế lớn, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo hai hướng: phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm công nghiệp (tại Bạc Liêu, Sóc Trăng); phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm rừng, tôm lúa… (tại Cà Mau, Kiên Giang). Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,5 tỷ USD, năm 2030 đạt kim ngạch 8-10 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu |
Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tâm điểm để phát triển ngành tôm hiện nay đang nằm ở khâu sản xuất. Nhiều năm qua, chúng ta phát triển ngành tôm nhưng hiện nhiều vấn đề không còn phù hợp, vì vậy cần phải được tái cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa và có sự thay đổi tư duy về sản xuất. Năm 2016, kinh phí xúc tiến thương mại là khoảng 100 tỷ đồng nhưng đã chi cho ngành thủy sản 6,4 tỷ đồng - điều này cho thấy Bộ Công Thương đang ưu tiên và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam ra thị trường thế giới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, định hướng trong phát triển ngành tôm là cần khảo sát những vùng phù hợp, tránh nuôi manh mún, bảo vệ hệ sinh thái. Quy hoạch ngành tôm là không để làm nghèo địa phương. Nuôi tôm là phải đưa công nghệ khoa học vào thực tiễn, đưa vốn với lãi suất phù hợp đến doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Tránh tình trạng độc quyền về con giống và thức ăn với giá phù hợp, tránh phụ thuộc nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất con giống, thức ăn. Tôm có nhiều loại, các nhà khoa học cần chỉ ra địa phương nào nuôi tôm thẻ hay nuôi tôm sú. Các doanh nghiệp, bộ, ngành phải làm và làm ngay việc phát triển ngành tôm, tạo sinh kế cho người dân, xây dựng thương hiệu con tôm. Để nâng cao sức cạnh tranh cho con tôm Việc Nam, cần phải tập hợp các tổ chức sản xuất, giảm chi phí trung gian và hiện đại hóa mạng lưới thu mua, tiêu thụ, tránh phụ thuộc thị trường...