Các quy định khác của Nghị định vẫn được thực hiện.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, sắp tới, Bộ sẽ giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản thực hiện nghiên cứu khoa học về hàm ẩm, nhằm có kết quả khoa học trong vấn đề này; đồng thời, giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn của các doanh nghiệp cá tra đối với hai quy định trên, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra của nước ta trên thị trường quốc tế và trong nước.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả giám sát của 11 đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản thực hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu cátra phi lê tại đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận số lượng cá tra philê tồn kho có tỷ lệ hàm ẩm trên 83% của các doanh nghiệp hiện là 150.000 tấn.
Trước đó, số lượng mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tự thông kê và gửi thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 362.000 tấn.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho biết, với 2 tiêu chuẩn kỹ thuật về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36 thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu dẫn đến tồn kho cá tra philê số lượng lớn.
Doanh nghiệp cũng cho rằng, các quy định của Nghị định 36 cần phù hợp hơn với tình hình thực tế sản xuất của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc lùi thời hạn thực hiện hai yêu cầu kỹ thuật này giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam giải tỏa bớt căng thẳng, khó khăn do thời hạn thực thi gần kề mà doanh nghiệp không kịp giải quyết hàng tồn, không có thời gian thuyết phục khách hàng, thị trường chấp nhận sản phẩm theo quy định mới.
Đó là một thử thách không nhỏ với doanh nghiệp cá tra trước sự cạnh tranh gay gắt của mặt hàng cá thịt trắng hiện nay.