Tăng 6,7%, xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 8 khởi sắc
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hoá dần khởi sắc
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá có tín hiệu vui |
Như vậy, liên tục trong 4 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đều có mức độ tăng trưởng hơn so với tháng liền kề trước đó. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do đã giảm sâu trong những tháng đầu năm nên tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Xuất khẩu rau quả là điểm sáng |
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả đã có sự bứt phá rất mạnh trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành rau quả. Trong đó, mặt hàng sầu riêng từ kim ngạch "không đáng kể" đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất.
Con số này còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD.
Hiện, giá thu mua sầu riêng đang tăng mạnh do hàng miền Tây vào cuối vụ. Tại các nhà vườn, giá sầu riêng loại một đang rao bán 85.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.
Năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỉ USD.
Hoặc với ngành dệt may, tháng 7, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,27 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đạt mức trị giá cao nhất trong vòng 11 tháng gần đây. Dệt may đang có dấu hiệu phục hồi tốt ở nhiều thị trường. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2023, ngành hàng dệt may kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 40 đến 41 tỷ USD. Hiện nay, dệt may là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Thặng dư thương mại ở mức cao
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tám giảm 8,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cũng tăng liên tục trong vài tháng trở lại đây với nhóm hàng chính là tư liệu phục vụ sản xuất. Với mức gia tăng như vậy, có thể kỳ vọng xuất khẩu hàng hoá khởi sắc hơn thời gian tới.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.
Bộ Công Thương thông tin, một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.