Tăng cường hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc
Tin hoạt động 08/09/2017 15:33
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, tại chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2017, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc và Ban Kinh tế Trung ương đã ký kết bản ghi nhớ, mở ra hướng phát triển mới của hai quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Buổi làm việc lần này nhằm hiện thực hóa những điều khoản trong bản ghi nhớ, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các bên.
Ông Vương An Thuận phát biểu tại buổi làm việc |
Ông Vương An Thuận - Bí thư Ban cán sự Đảng - Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc có chức năng nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá hiệu quả sự phát triển; giải thích các chính sách và thực hiện hợp tác quốc tế. Trong 5 năm qua, trung tâm đã hoàn thành hơn 180 nhiệm vụ đánh giá và nghiên cứu chính sách. Trong đó đi sâu nghiên cứu về chính sách đổi mới; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó và phòng bị rủi ro trong thời kỳ tái cơ cấu kinh tế; chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020…
Nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Chính phủ và cơ quan tư vấn các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Anh… Sự hợp tác này đã giúp trung tâm có nhiều nghiên cứu thành công, áp dụng hiệu quả vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc. “Trong chuyến làm việc lần này, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc muốn xây dựng cơ chế đối thoại thường niên với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương nhằm tìm hiểu và bàn bạc mô hình, phương pháp nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững của hai nước” - ông Vương An Thuận cho hay.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn sự phối hợp trong nghiên cứu thể chế về thương mại chính ngạch, thương mại biên mậu... |
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu trong tham mưu xây dựng các chính sách phát triển của phía Trung Quốc, góp phần khẳng định vai trò và tầm vóc của Trung Quốc trên thế giới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc đều là quốc gia do Đảng cộng sản lãnh đạo, đang kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những chủ trương, quan điểm của Đảng sẽ được tiếp thu trong quá trình thực tiễn, giúp mở cửa, hình thành Nhà nước xã hội chủ nghĩa ổn định và phát triển. Do đó, vấn đề đặt ra cho cả Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương là phải tiếp tục nghiên cứu các thể chế, dự báo xu hướng thế giới liên quan đến đường lối phát triển của Đảng, định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương nên cùng phối hợp, nghiên cứu các nội dung liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách của 2 bên trong thương mại chính ngạch, thương mại biên giới, các dự án hợp tác công nghiệp… Đồng thời nghiên cứu các chiến lược hợp tác song phương và đa phương của hai quốc gia như hợp tác ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… để tham mưu xây dựng chính sách, định hướng phát triển trong giai đoạn hội nhập toàn cầu” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ tích cực, chủ động phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc hơn nữa. Bộ trưởng giao Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc để hai bên tăng cường hợp tác, làm sâu sắc và cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Trung tâm cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng quà cho đoàn Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc |
Thông tin tại buổi làm việc cũng cho thấy, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng phát triển. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn và quan trọng của Việt Nam, hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng dần có được vị trí trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đánh dấu bằng việc năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Các thành viên trong đoàn làm việc |
Từ năm 2007 - 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 4,4 lần, từ 16,356 tỷ USD năm 2007 lên 71,9 tỷ USD năm 2016, mức tăng trung bình hàng năm đạt 17,88% (cao hơn tốc độ tăng trung bình của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cùng kỳ là 13,18%/năm). Trong đó, mức tăng cao nhất vào là năm 2007, với mức tăng 53,81% so với năm trước đó, đánh dấu bước đột phá trong quan hệ thương mại song phương khi Việt Nam gia nhập WTO. 7 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 47,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ 2016; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD, tăng 44%; nhập khẩu 31,6 tỷ USD, tăng 15,3%; nhập siêu 15,97 tỷ USD.