Trước đó, Ngày 18/9, UBND huyện Hóc Môn có công văn gửi Công an huyện, Phòng Kinh tế huyện, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (công ty) về việc tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Theo đó, UBND huyện Hóc Môn thống nhất phương án điều chỉnh của công ty về tổ chức điểm tập kết, trung chuyển tại chợ đầu mối Hóc Môn. Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 20/9, công ty phải thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị theo phương án và thời gian hoạt động từ 20 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Theo phương án tổ chức điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn, tất cả người tham gia vào hoạt động của chợ đều phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Ưu tiên người tiêm đủ hai mũi và có thời gian tiêm mũi thứ hai là 14 ngày, khi vào chợ phải thực hiện test nhanh hàng ngày và chấp hành việc xử lý của công ty nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Thực hiện nghiêm quy tắc 5K, nếu ai vi phạm sẽ bị mời ra khỏi chợ và không được vào chợ các ngày sau đó.
Trong trường hợp phát hiện ca F0, hay nghi nhiễm trong khi chờ cơ quan y tế xuống tiếp nhận về các trung tâm thu dung. Công ty bố trí vào nhà cách ly tạm thời tại Cổng T3. Tổ chức test nhanh ngẫu nhiên, test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ cho những người vào chợ.
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ngày 20/9, tình hình cung ứng hàng hoá cho người dân được duy trì ổn định. Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi khá dồi dào, tuy nhiên một số siêu thị còn gặp khó khăn trong việc giao hàng đối với các đơn đặt hàng trực tuyến do thiếu nhân viên giao hàng và nhân viên giao hàng (của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh) chỉ được giao hàng trong quận, huyện. Việc đặt hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội thuận tiện, được nhiều người dân lựa chọn nên nhu cầu về dịch vụ giao hàng rất lớn, giá dịch vụ vẫn ở mức cao. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay không còn giới hạn số lượng shipper như trước, các shipper đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp giấy đi đường nên trong thời gian tới lực lượng này sẽ tiếp tục tăng lên, hỗ trợ cho việc mua hàng trực tuyến của người dân.
Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại hoạt động của các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền (từ ngày 07/9/2021) và chợ đầu mối Thủ Đức (từ ngày 17/9/2021). Dự kiến từ tối nay 20/9, điểm tập kết, trung chuyển tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ hoạt động trở lại.
Về nguồn cung hàng hóa, trong đêm 19/9, lượng hàng về điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại Chợ đầu mối Thủ Đức đạt 210,1 tấn/đêm (giảm 24,4% so với đêm 18/9), bao gồm các loại rau củ, trái cây (60-70% lượng hàng trung chuyển đi các tỉnh); lượng hàng về điểm trung chuyển trong tại chợ đầu mối Bình Điền đạt 80,2 tấn/đêm (giảm 39,7% so với đêm 18/9), bao gồm các loại rau củ quả, thủy hải sản (25-30% lượng hàng trung chuyển đi các tỉnh). Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 19/9 và sáng 20/9 ước đạt 5.196,1 tấn/ngày (giảm nhẹ 1,2% so với hôm trước).
Tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày 20/9, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo tiêu chí vùng xanh, đỏ, cam, vàng và tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19. Trước mắt, Đồng Nai sẽ cho mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội ở các vùng xanh (các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP Long Khánh) theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg nâng cao, một số chợ truyền thống, cửa hàng bán mang về được mở lại hoạt động đồng thời bảo đảm quy định phòng chống dịch.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 09/11 siêu thị, 70 chợ truyền thống (khoảng 47%), 227 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Để bảo đảm cung ứng hàng cho người dân, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thêm 291 điểm bán hàng thay thế chợ đóng cửa trong mùa dịch, đặc biệt tại các khu vực bị phong tỏa tạm thời để phòng chống dịch, tổ chức 474 chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ người dân tại các ̣vùng phong tỏa của TP Biên Hòa. Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây vẫn duy trì hoạt động với tổng số tiểu thương đăng ký kinh doanh đủ điều kiện theo phương án là 60 tiểu thương. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)