Đây là một trong các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam đang diễn ra tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, khu vực phía Nam là địa bàn chiến lược, có những lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản và cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Hội nghị này nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện kết nối cung cầu năm 2014, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, giải quyết các vướng mắc và đề xuất giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tốt hơn; tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh kết nối các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm tại nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và lãnh đạo địa phương chứng kiến ký kết giữa các nhà phân phối với doanh nghiệp sản xuất |
Đánh giá kết quả các hợp đồng đã được ký kết giữa các nhà phân phối với DN sản xuất, bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết, trong thời gian qua Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và An Giang; Gặp gỡ DN, đại lý, nhà phân phổi để kết nối tiêu thụ sản phẩm; … Điển hình là Saigon Co.op đã triển khai 5 dự án phát triển hệ thống phân phối, liên kết sản xuất, ứng vốn khoảng 900 tỷ đồng và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương ĐBSCL khoảng 700 tỷ đồng/năm.
Cũng theo bà Trâm, năm 2014 tại khu vực phía Nam đã có 8 thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được ký kết. Các đơn vị phân phối tiêu biểu đã ký kết phải kể tới như Satra, Saigon Co.op, Lotte Mart Việt Nam… Ngoài các hợp đồng trên, công tác liên kết trong lĩnh vực công thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thời gian qua đã được chú ý quan tâm nhiều hơn; sự gắn bó giữa các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trong công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Việc ký kết chắp nối cung - cầu giữa DN với hệ thống phân phối đã được nhiều tập đoàn, DN như Hapro, TH True Milk, Kinh Đô… lựa chọn và vẫn có xu hướng phát triển.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Sở Công Thương An Giang nhận định, với việc thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, thời gian qua doanh thu bán hàng tại thị trường nội địa của các DN tỉnh An Giang đã cải thiện đáng kể. Trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, doanh số nội địa của tỉnh này đã đạt khoảng 50 tỷ đồng, tập trung vào 3 địa phương chính là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh miền Trung.
Theo bà Tuyết, nhiều DN An Giang đã xác định thị trường nội địa rất tiềm năng và xây dựng kết hoạch thâm nhập bài bản. Chẳng hạn Công ty Antesco trước đây vốn chỉ xuất khẩu, nay đã xúc tiến tiêu thụ tại nội địa và đạt được kết quả khả quan. Tiếp đà này Antesco đã xây dựng thêm nhà máy có công suất 10.000 tấn/năm để đủ cung ứng cho nội địa, xuất khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm lúa gạo, thủy sản của An Giang cũng được DN địa phương chú trọng quảng bá rộng rãi tại thị trường nội địa.
Ngay tại hội nghị, 8 nhà phân phối đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với 45 doanh nghiệp sản xuất như: Saigon Co.op ký với Cơ sở sx đường thốt nốt Lan Nhi, Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp, Công ty TNHH Phước Thành IV, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Tiến…; Lotte Mart Việt Nam ký kết với Công ty Yến Nhung, Công ty Mỹ nghệ Hương Quê, Công ty VietHerb, Công ty TNHH MTV Tans… |
Dù vậy, hoạt động kết nối cung - cầu tại một số địa phương vẫn gặp phải không ít cản trở, đại diện Trung tâm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho hay, dù là địa phương có thế mạnh về nông, thủy sản nhưng do số lượng DN sản xuất công nghiệp của tỉnh còn ít, vốn hạn chế, sản xuất phần lớn theo mô hình gia đình nên sức cạnh tranh còn yếu. Do vậy, dù tỉnh đã thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa cho các cơ sở này nhưng đến hiện tại chỉ có một số ít sản phẩm vào được các kênh phân phối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở, Hợp tác xã không đủ năng lực cung ứng sản phẩm với số lượng nhiều, đều đặn cho các kênh phân phối và mặt hàng trái cây thường theo yếu tố mùa vụ nên khi ký hợp đồng xong các cơ sở sản xuất lại không có hàng giao cho nhà phân phối…
Ông Đỗ Công Bình – Giám đốc Công ty CP Tứ Quý (Đồng Tháp) cho biết, sản phẩm khô cá lóc, cá sặc của đơn vị này hiện đã có thương hiệu và được phân phối tại một số hệ thống lớn. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều và cần sự kết nối, hỗ trợ của cơ quan chức năng địa phương.
Theo ông Trần Lâm Hồng – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, các sản phẩm của DN Việt tuy có chất lượng nhưng việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu, marketing của DN còn yếu. Do vậy, dù Saigon Co.op có hỗ trợ DN đưa hàng vào hệ thống nhưng sau một thời gian DN không đủ năng lực đã phải tự rút lui khỏi thị trường. Ông Hồng khuyến nghị, DN cần phải chú trọng hơn nữa trong công tác quảng bá, sản xuất với chất lượng đồng đều, bao bì nhãn mác đẹp để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Còn theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ Công Thương nên có các chính sách cụ thể, rõ nét hơn để hỗ trợ DN sản xuất, kết nối với người tiêu dùng. Chẳng hạn như kết nối theo từng chủ đề riêng (vào chợ truyền thống, kênh siêu thị, khu công nghiệp…) qua đó sẽ giúp DN có kế hoạch cụ thể với từng đối tượng người tiêu dùng.