Tăng cường quản lý chất thải rắn ở đô thị
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá hoạt động quản lý CTR đô thị tại Việt Nam - Tiếp cận theo phương pháp cấu trúc thị trường” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Hiệp hội Đô thị Việt Nam, Quỹ châu Á (TAF) tổ chức, diễn ra ngày 10/11, tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, các phương pháp xử lý chất thải của Việt Nam còn lạc hậu |
Giáo sư Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 770 đô thị với tỷ lệ dân số khoảng 33,47% tổng số dân. Khối lượng chất thải đô thị, đặc biệt CTR sinh hoạt và công nghiệp phát sinh ngày càng nhiều. Lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên cả nước ước tính khoảng 32.000 tấn/ngày. Còn khối lượng CTR công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp khoảng 7 triệu tấn/năm. Các đô thị nhất là các đô thị lớn luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bởi theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ đạt mức 73,81%. Hơn nữa, phương thức xử lý CTR của Việt Nam còn lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hình thức xử lý CTR chủ yếu vẫn là các bãi rác lộ thiên (open dumping), chôn lấp (landfill). Chưa kể, qua khảo sát 49 bãi rác lộ thiên, 91 bãi rác chôn lấp, chỉ có 17 bãi rác là đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Hình thức đốt rác làm nhiên liệu cũng như tái chế CTR còn rất ít.
Điển hình như trên địa bàn TP.Hà Nội, tổng khối lượng CTR sinh hoạt khoảng 6.366 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý tại các huyện ngoại thành chỉ đạt 75% đến 80%. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 750 tấn CTR công nghiệp, song công tác thu gom CTR công nghiệp, mới được từ 637 đến 675 tấn/ngày (đạt 85% - 90%) và xử lý được từ 382 đến 405 tấn/ngày. Đối với chất thải công nghiệp nguy hại, mới chỉ thu gom được từ 58 đến 78,4 tấn/ngày.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng cho hay, tổng lượng CTR ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác quản lý CTR hiện nay ở nước ta là hoạt động phân loại CTR tại nguồn chưa hiệu quả, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật còn hạn chế, phần lớn phương tiện thu gom CTR không đạt quy chuẩn kỹ thuật và không bảo đảm vệ sinh môi trường…
Do đó, để nâng cao công tác quản lý CTR tại các đô thị, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cần đẩy mạnh chính sách phát triển công nghệ xử lý CTR theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho quản lý và xử lý CTR, phát triển các tổ chức sự nghiệp môi trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý CTR. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế CTR, nhất là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác này.