Tăng cường thông tin thị trường cho vùng đồng bào dân tộc miền núi
Tin hoạt động 24/07/2015 14:16
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo |
Chủ trì hội thảo có ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo có sự tham gia của các Vụ chức năng thuộc Ủy ban Dân tộc và Bộ Công Thương, Ban dân tộc các địa phương. Diễn giả là các chuyên gia kinh tế, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thiếu sự kết nối sản phẩm với thị trường
Ông Hoàng Xuân Lương – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, với đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ở địa phương cùng với nguồn lực đầu tư và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2% mỗi năm, thì vùng DTTS giảm 3-4%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt: 98,6% xã có đường ôtô đến trụ sở UBND xã; có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện.
Ông Hoàng Xuân Lương – Thứ trưởng,Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội thảo |
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng ông Lương cũng thừa nhận vùng dân tộc, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế như: Chất lượng nguồn nhân lực thấp; đội ngũ cán bộ thiếu và yếu; kết cấu hạ tầng yếu kém. Đặc biệt là sự chồng chéo trong hệ thống chính sách. Các lỗ hổng chính sách vẫn chưa được giải quyết, điển hình như: Chưa có chính sách phân vùng để phát triển sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các vùng DTTS; chưa có chính sách kết nối sản phẩm của vùng DTTS với thị trường...
Bên cạnh đó, ông Lương cũng cho rằng, hệ thống chính sách ban hành chưa đồng bộ, cơ chế thực thi chính sách còn yếu và thiếu sự phối hợp. Thậm chí, chính sách chưa phù hợp với đặc điểm của vùng và người DTTS. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm chưa phù hợp với tập quán không thích xa nhà của người dân tộc thiểu số. Do đó, những nỗ lực xuất khẩu lao động không thể thực hiện được.
Điển hình trong công tác kết nối thị trường cho các sản phẩm hàng hóa tại địa phương, ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh xác định, muốn phát triển sản xuất cho các địa phương miền núi phải gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã lựa chọn một số chương trình phát triển sản xuất trọng tâm, đảm bảo phù hợp với các địa bàn, đặc biệt là địa bàn vùng dân tộc, miền núi, biên giới, điển hình là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCCP)”. Chương trình OCOP được vận dụng và phát triển trên cơ sở chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và Chương trình mục tiêu quốc gia “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” của Thái Lan với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Hậu, thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm. Vấn đề này các hộ sản xuất thực hiện được một phần, nhà nước phải đóng vai trò chính để giải quyết, nhất là khâu kết nối thị trường và xác định, phân tích lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Khi xác định được nhu cầu thị trường về sản phẩm thì các hộ tập trung sản xuất đến khi hoàn thiện được sản phẩm có chất lượng và hàng năm cứ thế cải tiến, nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm.
Khẳng định vai trò của thông tin thị trường, ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) cho rằng: Hiện nay, có tới 70% người dân, DN vẫn không hiểu toàn cầu hóa là gì, cũng không nắm được những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa. “Nền kinh tế hội nhập sẽ không có kết quả khi mà người dân, DN không có thông tin về toàn cầu hóa” – ông Lương nhận định.
Ông Nguyễn Đình Lương – nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) |
Nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin thị trường cho miền núi
Nhiều ý kiến cho rằng, để đưa thông tin thị trường đến đồng bào vùng dân tộc miền núi, biên giới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cần tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa các thông tin dự báo thị trường với nhu cầu thực tế của đồng bào các DTTS. Qua đó, giúp bà con vùng dân tộc miền núi, biên giới hình thành phương thức tư duy về kinh tế hội nhập… Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - nhận định: Thông tin thị trường cho vùng DTTS là vấn đề cấp bách và cần thiết. Việc hỗ trợ đồng bào bằng thông tin là biện pháp tốt nhất để họ tự cứu mình. Nếu các nhà sản xuất được hỗ trợ thông tin về ATVSTP, sản phẩm, bao bì cũng như cách tiếp thị sản phẩm thì các sản phẩm của miền núi sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam |
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cũng kiến nghị, cần cung cấp cho người dân thông tin về giống, hiện đa phần người dân không có thông tin về giống nên dễ mua phải các loại giống chất lượng kém. “Nếu như mua phải giống cây mắc ca không cho quả thì 7 năm sau người dân sẽ lãnh hậu quả lớn” - ông Tự cảnh báo.
Bên cạnh đó, ông Tự cũng đề xuất, Ủy ban Dân tộc miền núi nên kiến nghị Chính phủ yêu cầu cán bộ miền xuôi lên miền ngược công tác phải biết tiếng dân tộc và tiếng của nước bạn giáp biên với địa phương để tiếp nhận và truyền thông tin cho đồng bào dân tộc miền núi.”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, phải có cách tiếp cận trao đổi thông tin và thúc đẩy thông tin thực sự có ích cho người dân ở các vùng miền núi và ngược lại các cơ quan chức năng các doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo và sẻ chia thực sự với những khó khăn ở các vùng miền này. Có như vậy chúng ta sẽ có được những bước đi để rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lập luận: Thông tin là vấn đề đầu vào của thị trường. Nền kinh tế hội nhập càng cần nhiều thông tin. Vì vậy, phải xác định được phải làm gì và làm thế nào để kết nối thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu, phải tạo ra những tiền đề vật chất cho sự lan tỏa sâu rộng và nhanh chóng của các chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Đình Lương, cần tập trung phát triển các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa, xây dựng một số chuỗi ngành hàng chiến lược phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, trọng tâm là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, nhằm kết nối thị trường cho các sản phẩm được đầu tư phát triển. Tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào DTTS được tham gia vào các vùng, chuỗi sản phẩm này. Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm của điều kiện tự nhiên và dân tộc của từng vùng, tập trung tạo điều kiện để người DTTS tham gia cung cấp dịch vụ công ích (trồng rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng), hỗ trợ phát triển sản xuất kết nối với thị trường, ổn định cuộc sống. Đồng thời, nâng cao trình độ nhận thức, thể trạng con người, năng lực phát triển sinh kế, từng bước hình thành sản xuất sản phẩm gắn với thị trường..
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cho đến nay, mặc dù chúng ta đã có nhiều đề án thông tin phục vụ phát triển đầu tư, kinh tế, thương mại… thì mảng thông tin thị tường phục vụ đồng bào khu vực dân tộc, miền núi và biên giới trong giai đoạn hội nhập vẫn chưa được đặt đúng với tầm quan trọng của nó. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin thị trường để không chỉ bà con mà chính quyền cơ sở các cấp cũng thông suốt, hiểu rõ những vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế một cách giản dị, gắn với phát triển kinh tế, thương mại, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi, biên giới.
Thứ trưởng cũng kiến nghị, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành chính sách chuyên biệt ưu đãi về việc cung cấp thông tin thị trường, hội nhập, xúc tiến thương mại bằng tiếng dân tộc. Trước mắt xác định các cụm tiếng của các dân tộc có dân số đông hơn, tại các vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ để tiến hành thí điểm
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao tặng Ban tổ chức hội thảo bức ảnh tư liệu quý: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các đại biểu tại Đại hội các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất, ngày 4/12/1946
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời phỏng vấn báo chí |
Các đại biểu tại hội thảo |
Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi của Vuasanca được các đại biểu quan tâm |
.