Tăng kết nối và phối hợp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên
Tin hoạt động 06/08/2021 22:33
Giải pháp cấp bách trong kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa
Thông tin về lượng hàng hóa nông sản, thủy sản cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết có gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…
Số lượng nông sản trên là rất lớn, do vậy, câu hỏi đặt ra là cách nào giải quyết khâu đầu ra cho nông sản ở các tỉnh thành hiện nay. Vẫn trên quan điểm nhất quán, thị trường nội địa rất quan trọng, với tỷ lệ dân số vàng hơn 100 triệu dân, nên cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.
Hội nghị là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021, thu hút 700 đại biểu tham gia tại các điểm cầu trong và ngoài nước |
“Bộ Công Thương khẳng định quan điểm nhất quán sẽ luôn sát cánh cùng địa phương trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bộ Công Thương sẽ huy động hệ thống Tham tán thương mại ở ngoài nước cùng vào cuộc để hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Những vướng mắc trong tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, đại diện các tỉnh Cà Mau, Long An, Đắk Lắk tại hội nghị cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, nuôi trồng do phải tăng chi phí sản xuất, giảm công nhân, giảm công suất nhà máy…
Đại dịch đang làm gián đoạn khâu lưu thông, vận chuyển, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài, hàng hoá nằm chờ tại các cảng chậm xuất khẩu do thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng gấp nhiều lần…
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất: các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau. Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm, như: rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.
Từ góc độ phát huy vai trò các hệ thống phân phối trong việc hỗ trợ tiêu thụ trong nước ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc SaigonCo.op cho biết, hiện nay, SaigonCo.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng cần có đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, sẵn sàng huy động nguồn lực thu hoạch nông sản |
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú giới thiệu về nội dung các phiên họp và các phiên kết nối tiêu thụ nông sản trong khuôn khổ hội nghị |
Đặc biệt, hai bên đang phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó, đơn vị liên tục điều chỉnh chính sách thu mua, phù hợp với từng thời điểm, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki chia sẻ, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu logistics để gia tăng hiệu quả; áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; vùng trồng cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu và đặc biệt tăng cường quảng bá sản phẩm…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch Công ty CP Công nghệ Sen đỏ khẳng định, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sen đỏ cam kết hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mới gia nhập trên Sen đỏ trong thời gian đầu để tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia và nông nghiệp số. Bên cạnh đó, Sen đỏ cũng sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển, truyền thông quảng cáo cũng như các cách thức duy trì kinh doanh dài hạn trên Sen đỏ.
Lưu ý các doanh nghiệp, nhà sản xuất khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, Đại diện Công ty KOME (Nhật Bản) khuyến cáo, các nhà sản xuất, chế biến nông thủy sản Việt Nam cần có công bố sản phẩm ghi chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu, chất phụ gia sử dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì được chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp…
Đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương xuất khẩu hàng hóa, từ góc độ thương vụ, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh - Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, tiềm năng của thị trường Đức còn rất lớn. Với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định, các cam kết đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ có cơ hội thâm nhập được sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.
Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng cũng như áp dụng hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số (bên cạnh mô hình truyền thống) để quảng bá, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.
Chủ động kết nối, nỗ lực cao nhất tiêu thụ nông sản, thủy sản
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cơ bản đồng tình với những giải pháp mà Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, đồng thời bổ sung, kiến nghị một số cách làm phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong quá trình giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi các nhà phân phối, các tập đoàn kinh doanh thương mại, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các thương nhân hãy vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để vừa giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm |
Bộ trưởng đánh giá, việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực (cả trong tư duy và hành động), từ việc thay đổi phương thức tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và đã xuất hiện mô hình “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất xanh, sản phẩm an toàn… đến việc phát triển, đổi mới mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ qua các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… Vì vậy, trong hoàn cảnh bình thường (trước dịch Covid-19) việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhìn chung được thực hiện mà không có nhiều biến động lớn, chủ yếu thực hiện qua các kênh truyền thống và hiện đại, tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các địa phương trong cả nước (và cả các nước trong khu vực, thế giới) đều phải phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch thì việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của cả nước (đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện theo Chỉ thị 16) càng trở nên cấp bách. Do đó, Bộ trưởng đề nghị, thứ nhất, các địa phương cần rà soát nắm chắc số lượng chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ, số còn lại phải khẩn trương kết nối với ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố; kết nối với hai Tổ công tác đặc biệt của hai Bộ và các Vụ, Cục chức năng của hai Bộ; kết nối với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp thu mua, tập đoàn phân phối… để được tư vấn hỗ trợ tiêu thụ khẩn cấp.
Trong đó có việc giữ vững thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, gỡ khó cho địa phương về nhân lực, phương tiện vận chuyển, khâu bảo quản, đóng gói, bảo đảm an toàn trong dịch bệnh. Bộ trưởng lưu ý, các doanh nghiệp thu mua cần thực hiện các biện pháp bắt buộc (tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm cho người và cấp mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa).
Hai là, các tổ công tác tiền phương phối hợp thường xuyên chặt chẽ với các Vụ, Cục, đơn vị chức năng của hai Bộ và chính quyền các tỉnh, thành phố (qua Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để nắm bắt nhu cầu, cập nhật tình hình trong từng trường hợp và kết nối kịp thời với các hiệp hội, ngành hàng, các tập đoàn phân phối doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ thương mại trong nước và quốc tế để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương.
Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với nhau và với hai ngành ở địa phương (ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước trên cả hai kênh truyền thống và hiện đại.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các Vụ thị trường ngoài nước phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, các nhà nhập khẩu, các thương nhân ở nước ngoài để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường mới, nhất là Đông Á, Nam Á, châu Âu, Mỹ, Úc…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Thương vụ nỗ lực nắm bắt nhu cầu thị trường sở tại, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ ở trong nước, hướng dẫn các địa phương, người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu… về các quy cách tiêu chuẩn, hàng hóa, mẫu mã theo thói quen, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng người tiêu dùng bản địa,
Ba là, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi các nhà phân phối, các tập đoàn kinh doanh thương mại, các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước, các sàn giao dịch điện tử, các kênh thương mại trên nền tảng số, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các thương nhân hãy vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để vừa giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hoàn cảnh đặc biệt với tinh thần “một miếng khi đói bằng cả gói khi no” …
“Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết hỗ trợ tối đa, giải quyết một cách nhanh chóng trong thẩm quyền của mình. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ có các trao đổi với các Bô, ngành và kiến nghị Chính phủ để quan tâm giải quyết”- Bộ trưởng nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ thêm, trong hai ngày 9 và 10/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ chủ trì Hội nghị, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước kết nối giao thương để ký kết các hợp đồng thương mại, từ đó đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ các sản phẩm của các tỉnh đạt kết quả tốt nhất.