Tăng lương phải tăng trách nhiệm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại.
Cũng theo Nghị định này, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng 15%, lương tối thiểu vùng tăng 6%. Việc điều chỉnh tăng lương, trợ cấp hằng tháng đáp ứng nguyện vọng và đem lại niềm vui cho hàng triệu người làm công ăn lương và cán bộ hưu trí... Đây thể hiện sự quan tâm của Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Cần tiếp tục thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, trả lương chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động và giá cả ngoài thị trường. Ảnh minh họa |
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương có tác dụng động viên, khuyến khích người lao động yên tâm, nỗ lực làm việc, cống hiến. Mức lương, đãi ngộ quá thấp là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm vấn nạn tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay. Tuy nhiên, lương cao hơn chỉ có ý nghĩa và bền vững khi năng suất lao động, hiệu quả, hiệu suất thực thi công việc của cán bộ, công chức, người lao động phải được nâng lên.
Dân số Việt Nam tính đến ngày 2/7/2024 đã đạt xấp xỉ 100 triệu người trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 65%. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với ngay cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách hiện gần 11 triệu người. Đây thực sự là một gánh nặng khổng lồ cho ngân sách Nhà nước bởi chi thường xuyên quá lớn sẽ không còn nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Đề án thực hiện trả lương theo vị trí việc làm đã phải “lỗi hẹn” do nhiều lý do trong đó có sự cồng kềnh của bộ máy. Tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc cầm chừng, thiếu nhiệt huyết, sợ trách nhiệm, thậm chí xách nhiễu, tham nhũng vẫn còn khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị. Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Gần 20 năm qua, bộ máy không được tinh giản, thậm chí có nơi, có địa phương còn phình to hơn. Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đặt ra mục tiêu phải hoàn thành trước tháng 10/2024, để chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 còn nhiều ngổn ngang do phải giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập.
Chính vì vậy, tăng lương cần có các giải pháp đồng bộ để tăng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tăng năng suất lao động và hiệu quả thực thi công vụ. Để làm được điều đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý cải cách chính sách tiền lương. Quyết liệt cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý. Cần tiếp tục thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, trả lương chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động và giá cả ngoài thị trường. Trả lương không cào bằng mà phải căn cứ yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phòng ngừa, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thật đau xót khi hàng triệu tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực thay vì dành đầu tư phát triển kinh tế, cải cách, tăng lương cho người lao động, tạo thêm xung lực mới cho đất nước phát triển lại bị đục khoét. Chỉ khi có chế độ đãi ngộ xứng đáng với những người có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiên quyết loại bỏ những “công bộc” làm việc cầm chừng, năng suất và hiệu quả làm việc thấp; mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng, tiêu cực thì mới tạo công bằng, từ đó tạo động lực cho người lao động. Làm được điều đó cũng có nghĩa lương tăng nhưng không tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.