Tăng mức hỗ trợ cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật
Xây dựng mô hình trình diễn giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
- Phần lớn các mô hình trình diễn sau khi được nghiên cứu triển khai và áp dụng, sản phẩm sản xuất ra đều mang hiệu quả vượt trội so với công nghệ và máy móc sử dụng trước đây.
Theo Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính – Công Thương, mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia đối với các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã được nâng lên từ 250 triệu đồng lên tối đa 500 triệu đồng/mô hình. Theo đó, mức hỗ trợ cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: xây dựng, mua máy móc thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật tối đa là 30%, nhưng không quá 500 triệu đồng. Mức hỗ trợ áp dụng đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân học tập là không quá 100 triệu đồng/mô hình. Đây thực sự là tin vui và mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng mô hình trình diễn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Trước đây, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho công tác khuyến công gặp khó khăn và hạn chế số lượng các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia xây dựng mô hình trình diễn là do mức hỗ trợ dành cho hạng mục xây dựng mô hình trình diễn khá thấp so với nhu cầu. Tuy nhiên, để hoạt động hỗ trợ đạt được hiệu quả cao, các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công và mạng lưới tư vấn viên khuyến công tại địa phương cần khảo sát, lựa chọn đối tượng đơn vị, doanh nghiệp phù hợp đối với hạng mục xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc xây dựng các mô hình trình diễn khuyến công.
Bảo Thoa