Các cửa khẩu Quảng Ninh: Giao thương duy trì ổn định Quảng Ninh: Vượt chỉ tiêu, xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu đạt kết quả tích cực |
Tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức khánh thành Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2, nối từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái) đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà).
Khánh thành Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2 |
Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2 từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh do Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 cửa khẩu từ gần 1,5 tiếng xuống còn hơn 25 phút.
Tuyến đường được thiết kế nền đường rộng 9 mét, mặt đường 6 mét. Đây là công trình giao thông cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/giờ. Tổng mức đầu tư là 297 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 1 có chiều dài tuyến 6,6km và tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng đã đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2020.
Giai đoạn 3 sẽ do UBND thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư.
Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông thuận lợi giữa Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội và các hạ tầng cơ bản khác tại các khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Đặc biệt, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh được đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc từ Vân Đồn-Móng Cái đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn hình thành tuyến cao tốc dài 281km; liên thông với tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600km.
Hệ thống giao thông này sẽ tạo nên một hệ thống kết nối giao thông thuận lợi, kết nối liên vùng, nội vùng; kiến tạo không gian, hành lang phát triển mới; tạo động lực để thúc đẩy liên kết vùng, giao lưu hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, xóa đói giảm nghèo và làm giàu khu vực biên giới.
Dự án được hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng khu vực kinh tế cửa khẩu, góp phần phát triển nhanh, mạnh khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tạo sức hút mạnh về vận tải hàng hóa thông qua tuyến tới các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và ngược lại; đồng thời góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 năm rưỡi (giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2023) ước đạt 6.784 triệu USD, tăng bình quân 9,7%/năm (vượt chỉ tiêu Chương trình hành động số 01-CTR/TU đề ra, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 5-7%/năm).
Đóng góp vào thành tích chung này là do trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng. Nguyên nhân do Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả việc phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, duy trì được hoạt động sản xuất, nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Quảng Ninh luôn duy trì ổn định và thực hiện có hiệu quả “vùng xanh an toàn” tại các cửa khẩu, lối mở để đảm bảo hoạt động giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu không bị đứt gẫy. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan.