Tăng trưởng 5% và những "đòn bẩy" nào trong thời gian tới?
Vậy nhìn nhận, đánh giá thế nào về bức tranh chung của tình hình kinh tế và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với GS. Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Những hành động, quyết sách mạnh mẽ, táo bạo rất phù hợp thời gian qua mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. |
"Điểm sáng" trong bức tranh màu xám
Trong năm 2023, dự báo mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta khoảng 5%, tuy không đạt mục tiêu đề ra, song nhiều ý kiến cho rằng đây là con số "rất đáng khích lệ", vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của thế giới. Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng này?
Tôi cho rằng, nhìn nhận, đánh giá trên hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, năm nay là một năm rất bất định, với nhiều biến động cực kỳ khó lường. Tất cả những dự báo đầu năm đưa ra được kỳ vọng rất nhiều và với rất nhiều triển vọng được đưa ra trong năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế, như chúng ta thấy hầu hết các nước phải hạ mức tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng cái quan trọng nhất là mức tăng trưởng của chúng ta vẫn có thể đạt ở mức 5%, vẫn đang là một “ngôi sao sáng” trong sự tăng trưởng của hầu hết các nước trên thế giới.
Và điều quan trọng hơn, chúng ta đã có rất nhiều giải pháp mang tính tiên phong, đi đầu nhưng vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định. Điển hình như, hầu hết các nước lớn trên thế giới, chính sách tiền tệ của họ luôn thắt chặt. Thậm chí gần đây nhất Fed và các nước châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Trong bối cảnh đó, chúng ta lại đi theo hướng giảm lãi suất để khuyến khích cho đầu tư phát triển. Nếu không có biện pháp mạnh như thế, rất khó để chúng ta đạt kết quả tăng trưởng 5% như vậy. Đồng thời với đó là sẽ có sự song trùng rất mạnh mẽ giữa kích cầu đầu tư công và kích thích đầu tư của khối doanh nghiệp.
Có thể nói, hành động, quyết sách của chúng ta trong thời gian qua rất phù hợp, mạnh mẽ, táo bạo, cương quyết, và kết quả tôi cho rằng rất đáng ghi nhận.
Với kết quả đáng ghi nhận như vậy, đặt trong sự so sánh với tình hình thế giới, nhiều chuyên gia đều đưa ra nhận định, Việt Nam đã vượt qua được những “cơn gió ngược”. Ông nhìn nhận ra sao về việc này?
Phải khẳng định, những kết quả chúng ta đạt được như vừa qua rất đáng khích lệ, tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những khó khăn, thách thức vẫn còn đang diễn ra ở phía trước. Bởi vậy, nếu lúc này nói chúng ta đã vượt qua hoàn toàn những “cơn gió ngược” thì tôi cho là có phần hơi sớm, bởi những thách thức bất định còn đang diễn ra ở phía trước.
Ví dụ có thể kể đến như xung đột Nga-Ukraine, hay tình hình ở khu vực Trung Đông vừa qua cũng rất căng thẳng. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới bây giờ vẫn chưa nhìn thấy rõ nét về khả năng phục hồi, mặc dù dự báo phục hồi đang được kỳ vọng trong năm tới. Rõ ràng đó là điều rất đáng lo ngại, không thể chủ quan, đặc biệt với một nền kinh tế mở như Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khách quan khó lường như vậy, chúng ta vẫn có những lợi thế rất lớn về mặt kinh tế vĩ mô, về tiềm lực, hay vấn đề nợ công, trong khi làn sóng nợ trên thế giới rất lớn, thì nợ của Chính phủ Việt Nam lại giữ được khá tốt, duy trì ở mức ổn định.
Đó là cơ sở để chúng ta tạo ra được những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Có thể nói, cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang mở ra. Đó là những cơ hội rất lớn của chúng ta, nhưng cũng không thể chủ quan, cho rằng đã hết thách thức. Chúng ta vẫn phải đang đối đầu và tìm cách vượt qua một cách ngoạn mục.
GS. Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Khơi thông dòng vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân
Năm 2023, mặc dù chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế phí… nhưng thu ngân sách vẫn đạt kế hoạch, đặc biệt đã tiết kiệm đến 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Ông bình luận sao về vấn đề này?
Đó là một sự nỗ lực rất lớn, cũng là thành công rất đáng ghi nhận. Và trong trường hợp này, chúng ta phải nhìn về cả hai phía. Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta đã thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta đã thực hiện tiết giảm những khoản chi phí đầu tư, tiết giảm các khoản chi để quản lý chặt chẽ, không tạo ra những khoản chi lãng phí. Đó là cái tiết kiệm rất lớn.
Đồng thời, ngay cả lĩnh vực đầu tư công mặc dù được đẩy mạnh, nhưng chúng ta cũng không đầu tư một cách tràn lan, mà đã đầu tư một cách chọn lọc. Điều đó cho thấy chúng ta tiết kiệm được nguồn lực rất lớn từ việc không đầu tư công dàn trải. Đó là một yếu tố quan trọng để vừa hạ tỷ lệ nợ công từ 60% xuống chỉ còn 40%, mặt khác chúng ta cũng có nguồn để tiết kiệm phục vụ cho cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Đó là một sự nỗ lực rất lớn trong quản lý tài chính, là tiền đề quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm, dự báo còn nhiều thách thức, theo ông cần tập trung vào giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong biến động của tình hình thế giới?
Đối với kinh tế vĩ mô, rõ ràng chúng ta đang phải duy trì khá đều tay giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, đặc biệt phải xử lý rất nhanh nhạy trong cơ chế chính sách tài khoá với tỷ giá.
Thế nhưng chúng ta cũng đang có giải pháp để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, tăng cầu về kinh tế, giảm thuế tiêu dùng, thúc đẩy chính sách tín dụng để tăng cầu sản xuất cho doanh nghiệp. Đó là giải pháp mà hiện nay chúng ta đang duy trì khá tốt.
Bên cạnh đó thì một số những vướng mắc về thể chế cũng phải được tích cực tháo gỡ, ví dụ những chính sách liên quan đến cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, những nút thắt trong vấn đề định giá đất đai phải được giải quyết...
Đó là những nút thắt cần phải tháo gỡ để khơi thông dòng vốn của cả đầu tư công lẫn tư nhân để thúc đẩy đầu tư trong tương lai.
Cảm ơn ông !