Tăng tỷ trọng các ngành giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu
- Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định tại hội thảo “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2011” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay có thể thấy xuất khẩu Việt Nam mới tận dụng được lợi thế so sánh tĩnh về lao động và tài nguyên. Tỷ trọng các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại còn thấp so với Trung Quốc và nhiều nước ASEAN.
Riêng hàng nông sản, mặt hàng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn thì điểm hạn chế của chúng ta là chất lượng không cao so với cùng mặt hàng ở các nước khác và mới ở dạng sơ chế nên giá trị thấp. Do vậy dẫn đến số lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị không cao.
Do vậy, việc cải thiện cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành giá trị gia tăng cao là biện pháp lâu dài để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, vai trò của FDI trong vấn đề này là rất lớn vì hiện tại khu vực này chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là kênh quan trọng kết nối kinh tế trong nước với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nên có chính sách thu hút các DN FDI có chất lượng là các công ty đa quốc gia (TNCs) với bề dày về công nghệ và tài chính. Các TNCs này, với cấu trúc mạng sản xuất toàn cầu của mình, sẽ giúp mở rộng hàng hóa xuất khẩu.
Điều lưu ý là cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao để các TNCs có thể đầu tư vào Việt Nam các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Ngoài kênh FDI để nâng cấp năng lực công nghệ hàng xuất khẩu, còn môt kênh quan trọng nữa là nhập khẩu công nghệ. Đây là một trong những cách giúp nền kinh tế rút ngắn quá trình xây dựng năng lực công nghệ. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nước này đã rút ngắn đáng kể khoảng cách công nghệ với các nước công nghiệp nhờ công nghệ nhập khẩu.
Đã có thời kỳ các DN Việt Nam chọn mua công nghệ lạc hậu cho các nhà máy xi măng, nhà máy đường…. Những công nghệ này có ưu thế rẻ nhưng tuổi đời ngắn, chất lượng thấp, sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Để cải thiện tình hình, theo các chuyên gia, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ DN nhập khẩu công nghệ nguồn từ các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến như Mỹ, EU và Nhật Bản.;Ngoài ra, cũng có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng làm chủ được các công nghệ nhập khẩu.
KTVN