Tích cực tham gia hội chợ ở các nước ASEAN là giải pháp tốt để quảng bá cho hàng Việt |
Xu hướng nhập siêu từ các nước ASEAN gia tăng
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sau khi AEC chính thức đi vào hoạt động, trao đổi kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và thị trường ASEAN đã không như kỳ vọng.
Nếu như mức thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN được thu hẹp dần trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014 thì từ năm 2015 đến nay lại có xu hướng tăng lên. Cụ thể, từ mức thâm hụt 6 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu 57% vào năm 2010 đến năm 2014 đã giảm xuống 4 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu 20,3%. Nhưng sang 2015 mức thâm hụt thương mại với các nước ASEAN đã quay trở lại con số 5,6 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu 33,5%. Chưa hết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập siêu từ ASEAN 3,63 tỷ USD.
Xu hướng nhập siêu hàng hóa ASEAN vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh hơn về quy mô trong thời gian tới, khi nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của các nước ASEAN vào Việt Nam như ôtô, hàng gia dụng và nông sản đang ngày càng lớn.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các nước ASEAN đã hiện thực hóa một số điều khoản quan trọng của AEC từ năm 2010, trong khi đến cuối năm 2015 Việt Nam mới gia nhập toàn diện vào AEC. Ngoài ra, thị trường các nước ASEAN có dân số đông và mức tiêu dùng cao nhưng trình độ phát triển kinh tế lại không đồng đều, bị phân hóa chi tiêu. Thực tế này khiến cho nhu cầu hàng hóa của thị trường ASEAN bị chia nhỏ, DN Việt khó thâm nhập và đáp ứng.
Làm gì để tận dụng cơ hội?
Trong khi nhiều DN còn lo ngại và tìm giải pháp để Việt Nam không là vùng “trũng” tiêu thụ hàng hóa của ASEAN, thì một câu hỏi đặt ra là tại sao không đẩy mạnh đưa hàng Việt, nhất là hàng tiêu dùng sang thị trường các nước ASEAN?
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Saigon Food - quan ngại, Saigon Food hiện có hai chiến lược rất rõ, XK thì chỉ làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài; với thị trường nội địa thì tập trung vào sản phẩm có khẩu vị đặc trưng của người Việt. Do đó, khi hàng ngoại tràn vào nhiều hơn, DN phải chật vật giữ thị phần nên khó đủ lực để đem hàng Việt đi đánh xứ người, kể cả các thị trường lân cận.
Không chỉ Saigon Food mà rất nhiều DN nội cũng ở tình cảnh tương tự, đơn cử là trường hợp của Bibica. Thị trường ASEAN hiện chiếm khoảng 50% kim ngạch XK, khi AEC mở cửa hoàn toàn, công ty dự kiến đẩy mạnh XK vào thị trường này song từ cuối năm 2015 tới nay, kim ngạch không tăng được vì phải cạnh tranh quyết liệt với bánh kẹo của Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Lạc quan hơn, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt - cho hay, các sản phẩm thép xây dựng của Thép Việt XK sang các nước ASEAN vẫn ổn định từ năm 2015 tới nay với số lượng chiếm 30% trên tổng sản lượng sản xuất mỗi năm. Ông Thái cho rằng, xóa bỏ hàng rào thuế quan không gây ảnh hưởng tới thép xây dựng XK, vì lâu nay Thép Việt đã đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm của nước nhập khẩu. Dự kiến mức XK này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Với lượng hàng XK bình quân 12.000 sản phẩm chăn, drap, gối, nệm/năm sang thị trường Lào, Campuchia, ông Phạm Thế Linh - Giám đốc Công ty TNHH Thế Linh - thông tin, để tăng XK vào thị trường này, công ty đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, năng lực nhằm đáp ứng các yêu cầu về số lượng, mẫu mã do khách hàng Lào, Campuchia yêu cầu.