Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP)
CôngThương - Mặc dù, phải đối mặt với nhiều khó khăn "sóng gió" song ngành thủy sản vẫn vượt lên về đích vượt kế hoạch. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động ngành thủy sản trong năm qua?
- Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,9 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2009. Thủy sản là nhóm có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu trong toàn ngành nông nghiệp. Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng khá ở hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ tăng 27%, Nhật Bản tăng 17%, Hàn Quốc tăng 17,8%. Năm 2010, giá trị xuất khẩu cá tra sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng khá, đạt khoảng 680.000 tấn với giá trị thu về khoảng 1,4 tỉ USD. Mỹ, Tây Ban Nha và Đức là ba thị trường truyền thống nhập khẩu lớn nhất. Riêng trong những tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Thái Lan, Nga đã tăng mạnh với 3 con số, đạt mức trung bình 200% đến 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
-Định hướng phát triển ngành thủy sản trong năm 2011 như thế nào, thưa ông?
- Định hướng của ngành thủy sản trong năm tới cũng như trong giai đoạn 2011 – 2015 sẽ chuyển từ phát triển sang phát triển bền vững ít nhất là sản xuất hai lĩnh vực chính là tôm và cá basa. Từ định hướng đó, VASEP đã đưa ra 3 giải pháp chính: Thứ nhất, phải có bước chuẩn bị cơ bản, trong đó có cả những bước lùi để chúng ta tiến xa hơn. Cần chủ động tác động tối đa vào công tác cung - cầu. Chẳng hạn như cá tra, Việt Nam đang cung ứng khoảng 90 % sản lượng trên thế giới, nếu chúng ta làm theo đề án của Chính phủ cứ phát triển sản lượng tăng trên 3 triệu tấn vào năm 2020, trong đó tăng xuất khẩu lên 3 tỷ USD thì giá sẽ khó có thể tăng được. Nếu phát triển về lượng nhiều thì chất sẽ không tăng bao nhiêu. Chính vì vậy, trong năm 2011, VASEP sẽ có bước lùi chiến thuật. Cụ thể: năm 2011, sản lượng cá tra giữ ở mức 1 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu cố gắng 260 - 380 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch khoảng 1 tỷ USD. Đồng thời, VASEP sẽ làm lễ công bố với thế giới hết cá tra tồn kho và chỉ đạo doanh nghiệp ký hợp đồng 1 tháng chứ không ký 6 tháng như mọi năm nữa. Nếu kiểm soát được sản lượng thì giá bán sẽ tăng.
Thứ hai, phát triển quan hệ theo chuỗi sản xuất dọc, quan hệ giữa nông nghiệp và nông dân. Hiện lực lượng sản xuất là nông ngư dân rất đông đảo, doanh nghiệp phải tiếp cận với nông, ngư dân về mọi mặt chứ không phải chỉ mua sản phẩm của nông dân. Hiện nay, riêng cá tra, doanh nghiệp chế biến tự sản xuất vào khoảng 70% sản lượng, số lượng còn lại, doanh nghiệp cần tiếp cận bằng việc đưa công nghệ mới vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả cao hơn.
Thứ ba, thay vì sản xuất bằng mọi cách thì cần sản xuất bằng trình độ và đạt tiêu chuẩn cao của thế giới là chính. Vậy, yêu cầu người sản xuất tiếp cận được khoa học, công nghệ tiên tiên. Điều đó, hiện nay, bản thân người nông dân không làm được. Để làm đươc điều này, cần liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân tạo ra lực lượng sản xuất có trình độ công nghệ cao.
-Khó khăn nhất của ngành thủy sản hiện nay là gì?
- Khó khăn nhất là không có vốn, hiện nay sự mất bình đẳng giữa đầu tư cho thủy sản và lương thực kéo dài quá khiến cho 2 doanh nghiệp như nhau nhưng doanh nghiệp trong ngành thủy sản không được ưu đãi nào, trong khi doanh nghiệp ngành lương thực lại không bao giờ phải lo về vốn. Nguyên nhân từ những người làm chính sách không chịu thay đổi cách tiếp cận theo đúng như cái chiến lược được đề ra cho việc phát triển giai đoạn 2010 – 2020 là thay vì phát triển theo quy mô bề rộng thì đi vào phát triển theo chiều sâu, làm tăng tỷ trọng giá trị gia tăng.
-Để giải quyết những khó khăn hiện nay, theo ông Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng cần có chính sách như thế nào?
- Chính phủ cũng như Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn. Tất nhiên không phải ưu đãi mức lãi suất thấp nhưng có chính sách ưu đãi cụ thể để cho doanh nghiệp cũng như nông ngư nghiệp nuôi trồng thủy sản dễ dàng trong việc tiếp cận vốn để phát triển theo hướng giá trị gia tăng cao.
Đối với Bộ Công Thương, thứ nhất, điện và xăng dầu được cung ứng đầy đủ cho việc sản xuất thủy sản. Trong năm 2010, việc ngừng cung cấp điện trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng nhiều nông dân nuôi tôm thâm canh… Thứ hai, cần thay đổi cách làm xúc tiến thương mại, trong 10 năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại mới chỉ làm theo bề rộng, chưa làm theo bề sâu. Vì vậy, năm 2011, chúng ta phải đổi mới cách làm để làm sao không tốn tiền đưa doanh nghiệp đi, đưa người đi làm xúc tiến mà thu về hiệu quả cao. Thứ ba, kiến nghị Bộ Công Thương trong việc tham mưu với Nhà nước có những tác động về chính sách thuế, chính sách tín dụng đối với những doanh nghiệp có sản phẩm giá trị gia tăng cao.
- Xin cảm ơn ông!