Tạo chuyển biến tích cực cho vùng Tây Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến (thứ 3 từ trái sang) tặng bằng khen cho các cá nhân làm tốt công tác cho vay tín dụng của Ngân hàng CSXH |
Thưa ông, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách tín dụng ưu đãi nào dành cho vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)?
Ông Đỗ Văn Chiến: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo DTTS và hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh vùng dân tộc và miền núi. Trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách chủ yếu.
Thứ nhất là nhóm chính sách tín dụng chung theo vùng gồm: Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, vay đi lao động nước ngoài.
Thứ 2 là nhóm chính sách theo diện đối tượng nghèo gồm: cho vay theo Nghị định 78, Nghị quyết 30a, vay đi xuất khẩu lao động diện 30a, vay hộ cận nghèo, vay hỗ trợ làm nhà ở.
Thứ 3 là nhóm theo diện hộ DTTS nghèo gồm: Cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm; cho vay theo cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng.
Với hệ thống chính sách khá toàn diện như vậy, hiệu quả mang lại đã có thể “đong đếm” được chưa, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Chiến: Quá trình thực hiện tín dụng chính sách đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt về kinh tế - xã hội, khẳng định sự quan tâm kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến |
Cụ thể với Tây Bắc - khu vực có điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước - nhờ triển khai tín dụng chính sách, kinh tế - xã hội đã có bước tiến trông thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến 31/5/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt trên 35.600 tỷ đồng với hơn 1,5 triệu hộ còn dư nợ. Trong đó, hộ vay vốn là đồng bào DTTS chiếm tới 68%; chiếm 20,8% tổng dư nợ toàn quốc, bình quân mỗi năm tăng trưởng 14,7% (toàn quốc 13,5%). Nhờ nguồn tín dụng chính sách, Tây Bắc đã có khoảng 445.000 hộ được vay vốn đã thoát nghèo, gần 150.000 lao động có việc làm.
Đáng ghi nhận là tại khu vực này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, ủy thác một số công đoạn quản lý cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên). Đây chính là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc đưa nguồn vốn tín dụng đến đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để giúp người dân và các đối tượng chính sách khác có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Nguồn vốn vay đã đến được với từng đối tượng, ở cả những địa bàn sâu, xa nhất… Theo ông, nỗ lực này của Đảng và Nhà nước đã tác động như thế nào đến tâm tư, đời sống của đồng bào?
Ông Đỗ Văn Chiến: Trước hết, thông qua các chính sách tín dụng, người dân hiểu được chủ trương, chính sách ưu đãi, từ đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở… người nghèo DTTS đã dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Nhà nước để phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Từ chỗ có vốn, đồng bào từng bước thích nghi và hòa nhập với nền kinh tế thị trường, chủ động tính toán cách làm ăn, sử dụng vốn có hiệu quả. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ chỉ nhận hỗ trợ cho không chuyển sang vay vốn có hoàn trả gốc và lãi.
Khi người dân thoát nghèo, đời sống được nâng lên cũng đã góp phần tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội ở cơ sở như giáo dục, y tế, văn hóa...; đồng bào yên tâm lao động sản xuất, gắn bó xây dựng quê hương.
Trân trọng cảm ơn ông!