Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt – Pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA
Nhiều tiềm năng
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao Pháp, cụ thể là Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp - Business France tổ chức hội nghị trực tuyến hữu ích và đáp ứng đúng mong mỏi của cộng đồng DN cả Pháp và Việt Nam đang không ngừng tìm kiếm thông tin cũng như cơ hội hợp tác để tận dụng Hiệp định EVFTA mà Việt Nam và EU đã mất một thời gian dài đàm phán và phê chuẩn.
"Việt Nam và EU, đặc biệt là Pháp đã khai thông con đường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh |
“Việt Nam và EU đặc biệt là Pháp đã khai thông con đường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Và bây giờ là thời điểm DN hai bên cần nhanh chóng tìm ra thế mạnh của mình để có thể tận dụng hợp tác phát triển” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trên thực tế, chỉ tính riêng 10 năm lại đây, theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Những con số thống kê như trên cho thấy, Pháp luôn là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu (đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu và thứ 2 về đầu tư) và vẫn sẽ là luôn là một thị trường có tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.
Ông Francois Delattre – Thứ trưởng Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp – cho biết, EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm những đối tác ưu tiên của EU tại Châu Á. Pháp và EU sẵn sàng đồng hành Việt Nam tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư sâu rộng hơn.
Hội thảo thu hút sự tham gia trực tuyến của hơn 400 DN chủ chốt của Pháp và hơn 100 DN Việt Nam |
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), có 3 lĩnh vực có tiềm năng hợp tác phát triển. Đó là công nghiệp và công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến thực phẩm. Mặc dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu dệt may thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực sang EU như cà phê, hạt điều, hạt tiêu… song các sản phẩm xuất khẩu này đều là sản phẩm thô. Ngoài ra, hạ tầng, điện tử, dịch vụ di động cũng là lĩnh vực tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Jean – Philippe Arvert – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Giám đốc vùng ASEAN và châu Úc của Business France – thông tin thêm, Việt Nam hiện đang triển khai nhiều dự án điện khác nhau như dự án nhiệt điện, thuỷ điện, cánh đồng điện gió… Đó cũng là những thế mạnh của các DN Pháp. Ngoài ra, xử lý nước thải; vận tải biển, xây dựng đô thị; hạ tầng khu công nghiệp cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất
Xu hướng chung hiện nay của các DN Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các DN sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA. Điều này đồng nghĩa với việc DN Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh những thuận lợi, hai nước cũng đứng trước một số thách thức khó khăn đến từ các cuộc xung đột thương mại trên thế giới, xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số quốc gia, hay rõ rệt nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm thay đổi, đứt gẫy chuỗi giá trị, thay đổi môi trường, cách thức, giá trị kinh doanh của các DN. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt – Pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA |
Để tận dụng các lợi thế mà EVFTA mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo… Đồng thời, cho biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các DN Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...
“Mong rằng, sẽ có nhiều câu chuyện thành công như socola Marou – Socola ngon nhất thế giới” khi kết hợp giữa nét độc đáo của nguyên liệu, sự khéo léo của nhân lực Việt Nam với ý tưởng kinh doanh, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường của người Pháp” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,20 tỷ USD và nhập khẩu đạt 572,37 triệu USD. Dự báo thương mại song phương chỉ tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm sau khi Pháp tái khởi động nền kinh tế và nền kinh tế dần dần phục hồi. |