Tạo đột phá cho tài nguyên du lịch di sản văn hóa
Hoàng thành Thăng Long.
- PGS.TS Phạm Trung Lương- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển du lịch Việt Nam- cho hay, bản thân các di sản văn hóa thế giới đã là những tài nguyên du lịch, chính vì thế việc khai thác có hiệu quả những giá trị này cần được phát huy, góp phần khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, dù được vinh danh nhưng khả năng thu hút khách du lịch cũng như mức độ giữ chân du khách của các di sản còn ở mức khiêm tốn.
Theo ông Phạm Trung Lương, nguyên nhân của việc khai thác không hiệu quả của mỏ tài nguyên di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam cơ bản là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Cụ thể, như bà Nguyễn Thu Hạnh- Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe)- nhận xét, sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam phát triển không theo hệ thống, nên thường manh mún và hay bị trùng lặp. Đặc biệt, các sản phẩm đơn điệu, nghèo nàn, thiếu bản sắc và không đáp ứng được nhu cầu da dạng của khách du lịch trong và ngoài nước nên chưa đem lại hiệu quả doanh thu cao.
Nguyên nhân là sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa thế giới chưa được đầu tư nghiên cứu phát triển một cách hệ thống trên diện rộng với mục tiêu và chiến lược dài hạn, việc phối hợp liên ngành trong phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản còn yếu; phương thức đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch tại các di sản chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư rộng rãi trong xã hội. Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là nhận thức và trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản (nhà quản lý hoạch định, doanh nghiệp, tư vấn thiết kế qui hoạch, khách du lịch, cộng đồng dân cư) còn hạn chế trên nhiều khía cạnh.
Chính vì vậy, di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ với những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh nhưng do nằm trong vùng "cắt tour" của các tuyến du lịch, cộng với cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, sản phẩm du lịch nghèo nàn nên Thành nhà Hồ chưa phải là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Năm 2011, Thành nhà Hồ mới chỉ đón 16.000 lượt khách, chiếm phần lớn trong số đó là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa chứ chưa có nhiều khách đi tour hay khách nước ngoài. Còn Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long mới chỉ mở cửa đón khách từ năm 2010 nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng các thời điểm mở cửa cho du khách vào thăm còn thưa thớt, nên lượng khách đến tham quan rất hạn chế.
Thành nhà Hồ
Để đưa di sản thế giới của Việt Nam trở thành thương hiệu và là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, theo bà Nguyễn Thu Hạnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam, làm nền tảng cho việc hoạch định các chính sách đầu tư và quản lý phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư khai thác và sử dụng các nội dung, hạng mục trong di sản phục vụ du lịch, sao cho các đối tác tham gia đều nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc đào tạo và nâng cao nhận thức và chuyên môn trong lĩnh vực khai thác du lịch văn hóa cho tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động này từ nhà quản lý hoạch định, doanh nghiệp cho đến cộng đồng dân cư. Đặc biệt, công tác tư vấn chiến lược và qui hoạch thiết kế xây dựng các khu du lịch văn hóa tại khu vực di sản cũng cần được đầu tư đúng mức về nguồn vốn, nhân lực và phương thức đấu thầu cần công khai, minh bạch để chọn được tư vấn tâm huyết, có đủ năng lực, trình độ.
“Phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong vấn đề khai thác tài nguyên du lịch văn hóa thì mới có thể tạo ra bước đột phá cho du lịch tại các di sản. Xu hướng của nền kinh tế tri thức hiện nay là hàm lượng chất xám phải chiếm tỉ lệ cao trong cấu thành sản phẩm nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Vì vậy, khái niệm về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch cũng cần được mở rộng và nhìn nhận đa chiều, dưới nhiều khía cạnh hơn”- bà Hạnh nhấn mạnh.
Ông Phạm Trung Lương thì khuyến nghị, để khai thác di sản thế giới của Việt Nam một cách có hiệu quả trong phát triển du lịch, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, cần phát triển các dịch vụ mang tính cộng đồng để người dân được hưởng lợi từ việc khai thác du lịch, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời phải có quy hoạch các điểm di sản gắn với công tác bảo tồn.
Hoa Quỳnh