Môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững |
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua vào ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005. Sau hơn 12 năm thi hành, trong bối cảnh kinh tế- xã hội có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đã làm cho một số nội dung của luật không còn phù hợp. Vì vậy, sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết.
Cụ thể, đối với nhóm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, trong dự thảo luật tiếp cận vấn đề này trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Quy định cấm mặc nhiên đối với những hành vi thoả thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng và thông đồng đấu thầu; bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như: Vận động, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cung cấp thông tin nhằm hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Đối với nhóm quy định về kiểm soát tập trung kinh tế, so với Luật Cạnh tranh 2004, dự thảo cũng thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế; tăng cường sự chủ động của DN trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế. Đơn cử, dự thảo quy định các tiêu chí để DN có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không, bao gồm: Thị phần trên thị trường liên quan, giá trị giao dịch tập trung kinh tế và tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam.
Thông qua việc thay đổi các tiêu chí xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và thay đổi tiêu chí đánh giá, thẩm định tập trung kinh tế, dự thảo đã mở rộng phạm vi kiểm soát bao gồm cả những giao dịch tập trung kinh tế theo chiều dọc và hỗn hợp thay vì chỉ kiểm soát các giao dịch theo chiều ngang như trước đây.
Bên cạnh đó, thực tiễn 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh cho thấy, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện tương đối hiệu quả. Trung bình, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) điều tra, xử lý khoảng 40 vụ/năm. Ngoại trừ một số các hành vi đã được điều chỉnh bởi pháp luật khác thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến khác như gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác, ép buộc trong kinh doanh… hiện chưa có văn bản pháp luật nào khác điều chỉnh.
Để bảo đảm không tạo lỗ hổng pháp lý, dự thảo vẫn quy định điều chỉnh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng loại bỏ các hành vi đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời cập nhật, bổ sung thêm các hành vi mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay. Trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh cũng được quy định theo hướng đơn giản, nhanh gọn hơn.
Cục Quản lý cạnh tranh đang tiếp tục lấy ý kiến của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi). |