Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam |
Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch
Năm 2014, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của Vinachem đều đạt với các con số: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 42.392 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2013; doanh thu đạt 46.016 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013; nộp ngân sách đạt 2.523 tỷ đồng, tương đương năm 2013; lợi nhuận đạt 2.776 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm chủ yếu như phân bón, cao su, apatit… vẫn giữ vững và ổn định, nhất là mặt hàng phân bón. Vinachem đạt mốc sản lượng kế hoạch sản xuất phân bón các loại tương đương với năm 2013, trong đó: supe lân đạt 978 nghìn tấn, bằng 99,2% so với năm 2013; lân nung chảy đạt 580 nghìn tấn, bằng 108,1% so với năm 2013; phân đạm urê trên 546 nghìn tấn, bằng 109,1% so với năm 2013; phân DAP đạt 284,421 nghìn tấn, tăng 31,3% so với năm 2013 và phân hỗn hợp NPK đạt gần 1,9 triệu tấn, bằng 100,8% so với năm 2013.
Nhiều ngành hàng khởi sắc
Vượt qua khủng hoảng, nhiều mặt hàng của Vinachem vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và hướng tới xuất khẩu. Với ngành hàng sản xuất, chế biến quặng apatit, năm 2014 tiếp tục là một năm thành công với giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 10%; doanh thu đạt 3.449 tỷ, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Với ngành cao su, do giá cao su nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp các đơn vị chủ động nguồn cung cấp, giảm giá thành sản phẩm dẫn đến nâng sức cạnh tranh. Đồng thời, cả hai đơn vị là Công ty Cổ phần công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) và Cao su Đà Nẵng (DRC) đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lốp radial toàn thép công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội để hai đơn vị tăng sản lượng tiêu thụ, tăng doanh thu khi mà nhu cầu dùng lốp radial công nghệ cao thay thế lốp bias truyền thống đang tăng nhanh.
Sản phẩm lốp radial đã đem lại doanh thu xuất khẩu cao cho các đơn vị. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm cao su tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, do giá giảm nên giá trị xuất khẩu không tăng, ước đạt 63,9 triệu USD, bằng 100% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn. Trong đó, Casumina xuất khẩu đạt 42,3 triệu USD, DRC đạt 18 triệu USD (tăng 15,8%), Cao su Sao Vàng đạt 3,5 triệu USD.
Với ngành phân bón, so với năm 2013, xuất khẩu phân bón 2014 tăng mạnh về lượng với tổng lượng đạt 271 nghìn tấn, tăng 51 nghìn tấn so với năm 2013. Việc đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất do thị trường trong nước sụt giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 109 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 47,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn. Trong đó, Công ty Phân bón Bình Điền đạt 42,5 triệu USD, tăng 6,3%; Công ty Phân bón hóa chất Cần Thơ đạt 27,3 triệu USD, tăng 42,5%; Công ty Phân bón Miền Nam đạt 23,6 triệu USD, tăng 4,5%. Đặc biệt, Công ty Cổ phần supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao liên tiếp những năm gần đây đã xuất khẩu được phân bón sang Nhật Bản, một thị trường được coi là khó tính nhất thế giới.
Nhóm sản phẩm điện hóa mặc dù phải cạnh tranh gay gắt với sự có mặt đa dạng của sản phẩm nhập khẩu nhưng các đơn vị trong Vinachem vẫn nắm bắt cơ hội, tập trung đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu nên kết quả đạt được khá khả quan: giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 2.078 tỷ đồng, tăng 6,4%, doanh thu ước đạt 2.211 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2013. Xuất khẩu đạt 20,8 triệu USD, tăng 13,2% so với năm 2013.
Năm 2015, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 45.446 tỷ đồng, tăng 7,2%; doanh thu 49.240 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận không thấp hơn năm 2014 và tiền lương tăng hơn 5% so với năm 2014. Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều tập đoàn lớn bị sụt giảm doanh thu, lợi nhuận thì con số tăng trưởng bền vững năm 2014 và mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2015 thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của tập đoàn.
6 sự kiện tiêu biểu năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam 1. Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống ngành Hóa Chất Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã thực sự lớn mạnh và trở thành một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất cơ bản, hóa chất phục vụ nông nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu. 2. Khánh thành dây chuyền mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc Ngày 31/12/2014, dây chuyền mở rộng thuộc Dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã sản xuất tấn urê đầu tiên. Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay, đưa tổng sản lượng hàng năm của nhà máy lên 500 nghìn tấn. 3. Nhà máy DAP số 2 - VINACHEM sản xuất lô sản phẩm DAP đầu tiên Nhà máy DAP số 2 - VINACHEM được khánh thành ngày 28/12/2014 tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Với sản lượng hằng năm 330 nghìn tấn, cùng với Nhà máy DAP Hải Phòng sẽ đáp ứng 70% nhu cầu DAP của cả nước. 4. Khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy lốp xe tải toàn thép CASUMINA Ngày 19/4/2014, tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam đã đưa vào vận hành Nhà máy lốp xe tải toàn thép CASUMINA. Với công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ cung cấp sản phẩm lốp ô tô toàn thép công nghệ cao để sử dụng trong nước và xuất khẩu. 5. Tuyển thành công quặng apatit loại II và loại IV Năm 2014 Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tuyển thành công quặng apatit loại II và loại IV trên quy mô công nghiệp tại Nhà máy tuyển Cam Đường. 6. Quyết liệt tái cơ cấu Năm 2014 Tập đoàn đã hoàn thành việc cổ phần hóa 2 công ty theo đúng kế hoạch đề ra: Công ty TNHH một thành viên DAP - VINACHEM và Công ty TNHH MTV hơi kỹ nghệ que hàn. Thực hiện thoái hết vốn tại 7 công ty với giá trị theo sổ sách là 407 tỷ đồng (đạt 62,4%). Số tiền thu về là 527 tỷ đồng, lãi gộp 120 tỷ đồng. |