Theo đó, việc triển khai áp dụng mẫu hóa đơn điện tử được EVN thực hiện theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Hóa đơn, chứng từ và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, kể từ ngày 01/7/2022 áp dụng hình thức hoá đơn điện tử với dữ liệu hoá đơn được thống nhất toàn quốc theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục Thuế và được lưu trữ tại Trung tâm điều hành hoá đơn điện tử toàn quốc của ngành Thuế. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng triển khai mẫu hoá đơn điện tử theo hình thức không có mã của cơ quan thuế và thực hiện truyền đầy đủ dữ liệu hoá đơn về hệ thống lưu trữ điện tử của cơ quan Thuế.
Mẫu hóa đơn điện tử đối với tiền điện sinh hoạt |
Thông thường, để phát hành loại hóa đơn giấy truyền thống, cần phải trải qua nhiều bước như: doanh nghiệp làm đơn đề nghị xin phép đặt in hóa đơn đỏ, tìm nhà in đủ điều kiện để làm hợp đồng thuê in, làm hồ sơ đặt in…
Hóa đơn điện tử ra đời không những giúp các cơ quan, doanh nghiệp bắt kịp xu thế hiện đại hóa mà còn giúp cho các đơn vị tận dụng được tối đa hiệu suất làm việc và tiết kiệm được rất lớn chi phí và thời gian. Hoá đơn điện tử không chỉ là giải pháp quản lý tốt của nhà nước mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có lượng hoá đơn xuất lớn.
Cùng với hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì hoá đơn điện tử chính là giải pháp sống còn để giúp cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến các giao dịch và thanh toán điện tử. Bên cạnh lợi ích trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện, phần mềm hóa đơn xác thực còn là giải pháp hữu hiệu phòng chống vấn nạn hóa đơn giả. Sử dụng hóa đơn xác thực sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Với gần 30 triệu khách hàng mà EVN đang cung cấp dịch vụ điện điều đó cho thấy ngành điện đã tiết giảm được một lượng lớn giấy sử dụng cho việc in hóa đơn, đồng nghĩa tiếp kiệm được chi phí và nguồn lực cho xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Để triển khai hoá đơn điện tử theo quy định, EVN đã chuyển đổi nâng cấp các hệ thống lập hóa đơn, kết nối trực tiếp với Tổng cục Thuế để thực hiện truyền dữ liệu hoá đơn theo hình thức trực tiếp và thiết kế các bản thể hiện hóa đơn, bảng kê chi tiết hóa đơn trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của ngành Thuế và kế thừa các ưu điểm của mẫu thể hiện hóa đơn tiền điện hiện hành.
Cụ thể, mẫu hóa đơn điện tử theo quy định tại các văn bản nêu trên có một số thay đổi so với hiện hành như sau: Hóa đơn tiền điện triển khai theo quy định của Tổng cục Thuế thể hiện duy nhất số tiền điện khách hàng cần thanh toán; Phần chi tiết tiền điện thanh toán, các khách hàng dễ dàng theo dõi ở bảng kê chi tiết kèm theo Hóa đơn;
Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định không làm thay đổi cách tra cứu, theo dõi tiền điện và đảm bảo các thông tin cần thiết, bên cạnh đó đem lại những lợi ích thuận tiện hơn cho khách hàng sử dụng điện như: Công tác quản lý, tìm kiếm, lưu trữ hóa đơn của khách hàng được dễ dàng, thuận tiện, không còn lo lắng về tình trạng thất lạc hóa đơn.
Bảng kê chi tiết điện sinh hoạt |
Khi cần sử dụng hóa đơn điện tử khách hàng chỉ cần vào web Chăm sóc khách hàng, ứng dụng chăm sóc khách hàng (App) của ngành Điện và với một vài thao tác đơn giản là có thể nhận được hóa đơn ở bất kỳ đâu có internet; Có tính kế thừa để tạo sự gần gũi, đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định về hóa đơn của Bộ Tài chính; Tiện lợi khi làm thủ tục với cơ quan Thuế: mọi thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp cũng được thực hiện điện tử, giúp các khách hàng sử dụng điện giảm bớt thời gian lập tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Với tinh thần luôn tạo điều kiện thuận lợi và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dịch vụ khách hàng, EVN là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong việc triển khai hóa đơn điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý khách hàng từ năm 2012. Hóa đơn điện tử là sự thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực của EVN trong việc tiếp tục quá trình đơn giản hóa, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh & dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng”. Đồng thời, việc triển khai các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đã thể hiện sự nghiêm túc và quyết liệt hành động theo định hướng Chuyển đổi số trong các dịch vụ công của Chính phủ, theo đó mọi thông tin và dịch vụ đều minh bạch, rõ ràng, có cơ chế giám sát, đôn đốc thường xuyên.