Tập đoàn Hoa Sen: Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021-2022 đạt 251 tỷ đồng
Theo đó, sản lượng tiêu thụ HSG đạt 1.819.009 tấn, hoàn thành 91% kế hoạch; doanh thu đạt 49.711 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 251 tỷ đồng, hoàn thành 17% kế hoạch.
Năm 2022, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đối mặt với khó khăn chồng chất. Việc Chính phủ Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách Zero Covidvà hạn chế tín dụng vào bất động sản làm thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc sụt giảm trầm trọng. Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp thép lớn nhất thế giới nên áp lực dư thừa thép rất lớn. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hạ giá bán để giải quyết sản lượng dư thừa làm cho giá thép cán nóng trên thị trường thế giới giảm nhanh và mạnh trong thời gian rất ngắn, trong đó có Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành thép Việt Nam năm 2022 gặp nhiều khó khăn |
Tại Việt Nam, giá thép giảm liên tục trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho phục vụ cho hoạt động kinh doanh không thể giảm ngay lập tức dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, nhằm ứng phó những tác động xấu của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới đã tung ra nhiều gói cứu trợ kinh tế khác nhau đã làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu tăng nhanh. Lạm phát tăng cao khiến nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu suy giảm mạnh, từ đó, các quốc gia giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm thép của các doanh nghiệp Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu thép trong năm 2022.
Ngoài ra, lạm phát toàn cầu ở mức cao, buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 05 lần tăng lãi suất cơ bản trong khoảng thời gian 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2022 để kiềm chế lạm phát, từ đó làm cho đồng USD tăng giá. Việc này đã làm tăng mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, từ đó tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng lãi suất tăng đã làm tăng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD tăng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm, … của các doanh nghiệp tôn mạ và tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD.
Sự xung đột giữa Nga – Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng giá dầu, đẩy giá xăng dầu và nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng phi mã trên thế giới cũng như Việt Nam, giá xăng dầu tăng đã làm tăng chi phí vận chuyển, từ đó làm tăng chi phí bán hàng của các doanh nghiệp thép.
Đại diện HSG cho biết: kế hoạch NĐTC 2021-2022 của HSG được xây dựng thận trọng, tuy nhiên, những biến động không thể lường trước, đã làm cho HSG không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, báo cáo tài chính vừa công bố cũng cho thấy sự chủ động của HSG trong việc đối phó với các khó khăn trên, chẳng hạn như quản lý hàng tồn kho ở mức hợp lý; quản lý hiệu quả các khoản chi phí nhờ đó giảm mạnh lượng hàng tồn kho và các khoản nợ vay ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, tiết giảm chi phí tài chính đặc biệt là chi phí lãi vay.
Cụ thể, HSG đã giảm được 4.975 tỷ đồng hàng tồn kho trong NĐTC 2021-2022, từ mức 12.349 tỷ đồng tại ngày 01/10/2021 xuống còn 7.374 tỷ đồng tại ngày 30/09/2022, tức giảm 40%. Ngoài ra, HSG đã giảm được 2.649 tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng từ mức 6.836 tỷ đồng xuống còn 4.187 tỷ đồng, tương đương giảm 39%. Việc giảm mạnh dư nợ vay ngân hàng đã kéo giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong cơ cấu nguồn vốn, giúp cho HSG có cơ cấu nguồn vốn hợp lý và an toàn hơn. Trong đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HSG đã giảm từ mức 1,46 lần trong NĐTC 2020-2021 về mức 0,56 lần trong NĐTC 2021-2022. Đồng thời, tỷ lệ nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ mức 0,63 lần về mức 0,38 lần.