Theo đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương đã chuẩn bị các phương án cụ thể bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến hết năm 2010, quý I/2011 và nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão 2011.
Cân đối 12 mặt hàng trọng yếu
Hai tháng cuối năm là thời kỳ thị trường hàng hóa có nhiều biến động; trong đó, yếu tố tiêu thụ hàng hóa có xu hướng tăng cao do vào mùa xây dựng, cưới hỏi, lễ Giáng sinh, tăng "cầu" hàng hóa phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương đã khẳng định sẽ cân đối cung cầu 12 mặt hàng trọng yếu như lương thực, thực phẩm, thép xây dựng, đường, phân bón, muối, xi măng, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, giấy, than và thuốc chữa bệnh sẽ được bảo đảm từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2011.
Hai mặt hàng xi măng và muối ăn đang trong tình trạng dư thừa. Nguồn cung lúa gạo trong nước sẽ được bổ sung trên 8 triệu tấn (chỉ xuất khẩu 0,6 triệu tấn) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối với một số mặt hàng khác, sản lượng đường sẽ đủ cung cấp ra thị trường khoảng 200 ngàn tấn, tiêu thụ thép trong quý 4/2010 sẽ đạt khoảng 1,2-1,3 triệu tấn. Mặt hàng giấy trong hai tháng cuối năm dự kiến sản xuất được 360 ngàn tấn.
Đối với xăng dầu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ hoạt động hết 100% công suất thiết kế, khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Do nguồn cung dồi dào, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã gửi công văn đến Bộ Công Thương xin điều chỉnh giảm kế hoạch nhập khẩu xăng dầu năm 2010. Theo Bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, cam kết đảm bảo lượng dự trữ tăng 20% và sẽ bình ổn giá xăng dầu từ nay đến cuối năm.
Nhu cầu phân bón trong nước được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới để phục vụ cho vụ Đông với nguồn cung đạt khoảng 3,6 triệu tấn. Thị trường dược phẩm về cơ bản vẫn tiếp tục ổn định, giá thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu có thể biến động nhẹ do phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập khẩu, sự thay đổi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ.
Cung cầu vật tư nguyên liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được bảo đảm, sự quan tâm phát triển thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, chống buôn lậu và gian lận thương mại,. Theo Bộ Công Thương, hai tháng cuối năm nay và đầu năm 2011 sẽ không có hiện thượng thiếu hàng, sốt giá
Trước lo ngại về lãi suất cho vay còn cao, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành ổn định chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, chỉ đạo giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu.
Các địa phương vào cuộc
Cùng với các hoạt động khuyến mại, giảm giá, các chương trình xúc tiến thương mại trong các tháng cuối năm, một số tỉnh, thành phố lớn đang tích cực triển khai các chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường. Hà Nội và TP HCM là hai thị trường lớn nhất cả nước đều đã triển khai và duy trì chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm và trong dịp Tết Tân Mão 2011.
Tại Hà Nội, với kinh phí 350 tỷ đồng mà thành phố cho vay đợt 1, các DN tham gia chương trình bình ổn giá đã tổ chức 360 điểm bán hàng bình ổn, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Tất cả các điểm bán hàng đều bán đúng giá cam kết với mức giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ triển khai kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tại các đơn vị. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, sở sẽ có biện pháp xử lý và chấn chỉnh kịp thời. UBND TP Hà Nội cũng vừa quyết định thành lập 500 điểm bán lẻ tham gia bình ổn giá tại khu vực nội thành và một số huyện, thị trên địa bàn.
Đi đầu về việc tích cực kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, Tp.HCM đang chuẩn bị xây dựng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các sở công thương khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sở Công thương TPHCM cũng vừa công bố danh sách gần 1.894 điểm bán hàng bình ổn giá năm 2010 và Tết Tân Mão 2011 của 14 DN tham gia bình ổn thị trường. Theo ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Công Thương TP HCM, năm nay số điểm bán hàng đã tăng 25,7% so với tsố điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Canh Dần 2010.
Từ tháng 6/2010, việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại TP. HCM được đảm bảo, tháng khuyến mãi tại vừa kết thúc đã mang lại hiệu quả tốt với tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng lên 269 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương vừa qua, bà Trần Thị Hường - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: ngành Công thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chốt trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt cho chương trình dự trữ số vốn là 74 tỷ đồng nhằm bình ổn thị trường trong dịp cuối năm 2010. Trong đó dành 30% lượng hàng bình ổn để bán tại các thị trường vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố, hầu hết các địa phương đều đã có các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Theo VCCI