Tập trung các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử
Tin hoạt động 29/10/2016 13:58
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo Hội thảo |
Năm 2020, doanh số TMĐT đạt 10 tỷ USD
Phát biểu tại Hội thảo “Định hướng phát triển TMĐT tử giai đoạn 2016-2020”, diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (TMĐT &CNTT) cho biết, TMĐT Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu quan trọng đến năm 2020 của TMĐT, doanh số bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ của cả nước. Trong đó, kỳ vọng các giao dịch TMĐT B2B (các doanh nghiệp mua hàng hóa để thương mại hóa hoặc sản xuất) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.
Với mục tiêu trên của Chính phủ sẽ không phải là “việc khó” khi năm 2015, doanh số TMĐT đã vươn tới con số 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Báo cáo tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có tổng số 5.161 website TMĐT được thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số trang web đang hoạt động trên địa bàn. Tính riêng 9 tháng đầu năm, thành phố có 1.317 website thông báo, đăng ký hoạt động mới, gồm 1.258 website bán hàng và 59 sàn giao dịch TMĐT.
Năm 2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Hà Nội đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 4% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên địa bàn khoảng 1,04 tỷ USD, doanh thu cả năm ước đạt 1,4 tỉ USD, chiếm 4,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố.
“Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; số lượng website TMĐT hoạt động đúng quy định chiếm 20% tổng số đang hoạt động của địa phương; phấn đấu 70% số người sử dụng Internet của Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm trực tuyến có lắp thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS)…”. Bà Lan khẳng định.
Hướng đến giải pháp trọng tâm
Để tập trung cái giải pháp hỗ trợ TMĐT, theo bà Lại Việt Anh, doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai TMĐT, Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Do vậy, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT.
Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lưu ý, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 trong đó đề cập đến 7 nhóm giải pháp: Phát triển hạ tầng, xây dựng hoàn thiện chính sách, phát triển ứng dụng sàn TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp... “Do vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra tại Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và địa phương trên cả nước nhằm phát triển hài hòa mọi khía cạnh của lĩnh vực TMĐT”. Thứ truổng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai trang web Tự hào hàng Việt (www.tuhaoviet.vn) với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp và được nhiều người biết đến. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ để phát triển thêm nhiều website tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua kênh TMĐT.
Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020: Về quy mô thị trường TMĐT: 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, giao dịch TMĐT doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020. |