Tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống logistics
Tin hoạt động 13/11/2015 18:31
Đại diện các bộ, ngành chủ trì hội thảo |
Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết: Kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa phát triển nhanh một phần do hạ tầng logistics lạc hậu, manh mún, giá dịch vụ cao. Việc thành lập trung tâm logistics tương xứng với quy mô vùng đã được Chính phủ phê duyệt sẽ là động lực quan trọng góp phần tích cực phát triển kinh tế vùng.
Theo ông Nguyễn Công Bằng - đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) - ĐBSCL có 700 km bờ biển, 400 km biên giới trên bộ, vùng biển rộng lớn tiếp giáp các nước ASEAN nhưng hạ tầng và phương tiện phục vụ cho hoạt động logistics còn yếu. Cụ thể: Phương tiện vận tải đường bộ cả vùng chỉ có 430 xe đầu kéo, 476 xe sơ mi rơ mooc và 575 xe téc. Hệ thống sông rạch với 13.000 km sử dụng được cho vận tải nhưng phương tiện thủy nội địa chỉ có 160.000 chiếc, tổng trọng tải tàu hàng khoảng 5 triệu tấn.
Bên cạnh hạ tầng logistics yếu kém, ông Phạm Anh Tuấn- Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế cảng- Kỹ thuật biển- lo ngại: Tỷ trọng chi phí logistics so với GDP của Việt Nam là 25%, cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (19%), Trung Quốc (18%), thậm chí gấp 3 lần Mỹ và Singapore. Ngoài ra, phân tích chi phí logistics của 12 mặt hàng xuất nhập khẩu chính, chi phí logistics chiếm khoảng 20,9% tổng GDP cả nước.
Để hoạt động logistics tại ĐBSCL phát huy hiệu quả, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề xuất: Trước hết, phải đưa hệ thống đường bộ kết nối với các cảng, đặc biệt là cảng container làm chức năng trung chuyển trong vùng; ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vận tải thủy như: Ưu đãi về đất đai, thuế…
Theo quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, đến năm 2020, tại ĐBSCL sẽ có 2 trung tâm logistics hạng 2 đi vào hoạt động; trong đó, một trung tâm logistics quy mô tối thiểu 30 ha vào năm 2020, 70 ha vào năm 2030. |
Ngoài chính sách và hạ tầng cần được bổ sung, cải thiện, Giáo sư Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ- nhìn nhận: Nhân lực trong ngành hiện nay còn thiếu và yếu. Do đó, nguồn nhân lực phải được đào tạo một cách bài bản.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Với ĐBSCL, logistics luôn đóng vai trò then chốt để phát triển kinh tế vùng. Hoạt động logistics hiệu quả sẽ làm tăng thêm giá trị và giảm sức ép cạnh tranh cho hàng hóa. Vì vậy, lĩnh vực này cần phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, chủ trương và tạo mọi điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp đầu tư.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo |
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất: Các bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực và trí tuệ nhằm đồng bộ về thể chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, phát triển theo hình thức hợp tác công - tư; nâng cao nhận thức về việc ứng dụng khoa học – công nghệ...
TIN LIÊN QUAN | |