Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại với sức khỏe cộng đồng
Tại hội thảo về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam; đồng thời cung cấp thêm thông tin mới về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác do Vụ Pháp chế - Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia y tế đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới. Theo đó, các sản phẩm này chứa nicotine – một chất gây nghiện cao, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, chúng còn chứa nhiều hóa chất độc hại và gây ung thư.
Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe - là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới, với 182 quốc gia đã tham gia.
Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang trở thành mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa |
Tham gia FCTC, các quốc gia đều cam kết quyết tâm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá.
“Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khoẻ. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hóa chất độc hại và gây ung thư” TS.BS Trọng Khoa cho biết.
Các sản phẩm thuốc lá lai (kết hợp) giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ mang những đặc tính và khả năng gây hại của cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
"Do vậy, không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ)"- TS.BS Trọng Khoa nói và dẫn chứng; Các nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ: Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023)
Ở người trên 15 tuổi: Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3); Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%; Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá mới. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
"Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn"- đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói.
Thông tin tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ngày 11/11/2004 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam là nước thứ 47 tham gia vào Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.
Khoản 3 Điều 5 Công ước khung quy định nghĩa vụ chung của các quốc gia tham gia trong khi hoạch định và thi hành các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, phải: "Hành động để bảo vệ những chính sách này khỏi bị tác động bởi các lợi ích về thương mại và các lợi ích có lợi khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia".
Hiện nay Bộ Y tế đang trong quá trình đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng – là những sản phẩm thuốc lá mới chưa được quy định tại Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, cụ thể là quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trước thực trạng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy, Bộ Y tế đang tích cực đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quản lý chặt chẽ các sản phẩm này.
Các chuyên gia y tế đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế và cho rằng đây là một bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để nghị quyết được thông qua và thực thi hiệu quả, cần có sự đồng thuận cao từ các cơ quan ban ngành, sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức xã hội.