Tật xấu “dìm hàng” và câu chuyện con cua
Tuy nhiên, bên cạnh những tiếng nói xây dựng, bình luận khách quan, lại xuất hiện không ít luồng ý kiến thiếu khách quan, mang tính “dìm hàng”, lái dư luận theo hướng tiêu cực. Đây là điều rất đáng lên án.
1. Lợi dụng sự lên, xuống của cổ phiếu VFS trên thị trường, những ý kiến “dìm hàng” được dịp xuất hiện nhiều. Ngay cả một số người gắn mác “chuyên gia tài chính” cũng có khuynh hướng chê bai, nhận định tiêu cực, so sánh VFS với dạng “meme stock” (ám chỉ những cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên các diễn đàn internet, mạng xã hội, thị giá cổ phiếu tăng không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh). Nhiều người thấy có ý kiến chê bai, ngay lập tức hùa theo, không kiểm chứng, thi nhau “like” (thích), “share” (chia sẻ), bình luận, viết “tút” hả hê kiểu như: “Đấy đã bảo rồi mà, sớm muộn gì cũng thất bại thôi”; “Chẳng đi đến đâu cả đâu”; “Ôi trời, tưởng thế nào”...
Cần biết rằng, sự mạnh dạn, đột phá của Tập đoàn Vingroup khi xây dựng thương hiệu Vinfast mang tính toàn cầu, phát triển công ty đại chúng để huy động vốn, gia tăng tiềm lực tài chính là bước đi cụ thể hóa theo chủ trương, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng và phát triển đất nước. Đó là tinh thần “Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã nêu rõ yêu cầu: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”, “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”... Điều này cho thấy, những bước đi của Vingroup nói riêng và nhiều tập đoàn, tổng công ty nói chung thời gian qua không chỉ vì lợi nhuận của doanh nghiệp, của cổ đông mà còn chứa đựng tinh thần yêu nước và khát vọng lớn lao đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm thế giới.
Thực tế cho thấy, ngay cả những thương hiệu tầm cỡ thế giới của ngày hôm nay cũng đều có những khởi đầu khó khăn. Họ phải mất hàng chục năm, thậm chí là cả trăm năm mới gặt hái được thành công. Trên con đường đầy chông gai của các thương hiệu như Samsung, Hyundai (Hàn Quốc), Toyota, Honda, Sony (Nhật Bản), bên cạnh những nỗ lực tự thân cùng sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ nước họ cũng như chính quyền quốc gia nơi đầu tư để khẳng định giá trị bằng chất lượng, giá cả sản phẩm, dịch vụ… thì các thương hiệu này còn có sự ủng hộ tích cực của dư luận, của người dân xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc. Sự ủng hộ không chỉ là việc thực hiện phong trào như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn là sự quan tâm, ủng hộ bằng tinh thần, bằng những góp ý chân thành, xây dựng, công bằng. Trên sàn chứng khoán, một cổ phiếu mới như VFS lên xuống là điều bình thường, lên xuống với biên độ lớn cũng là bình thường. Chẳng hạn, cổ phiếu cùng ngành với Vinfast có thâm niên hơn 10 năm như cổ phiếu của Công ty Tesla cũng ghi nhận mức giảm tới 66% trong năm 2022. Điều đáng nói, ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, các cổ phiếu không bị giới hạn biên độ giá.
2. Trước một hiện tượng xã hội, việc có ý kiến trái chiều là bình thường nhưng nếu cố tình nhìn nhận phiến diện, tìm cách “dìm hàng”, bôi đen, hạ bệ thì lại là chuyện khác. Chúng ta không cần những ý kiến một chiều kiểu tô hồng, mà rất cần những lời phê bình hợp lý. Trong trường hợp này, dù đối với Vinfast hay bất kỳ một thương hiệu nào khác, những ý kiến, bình luận cố tình “dìm hàng” thì cũng không nên có và dư luận cần tỏ thái độ lên án rõ ràng.
Có câu chuyện kể rất đáng suy ngẫm về đặc điểm của loài cua. Nếu để một con cua trong giỏ thì nó sẽ bò được ra ngoài nhưng để nhiều con cua trong giỏ thì không con nào bò được ra ngoài, vì con nào bò lên sẽ bị con khác kéo xuống. Hình ảnh này là sự nhắc nhở mỗi chúng ta về văn hóa, cách sống để tránh xa thói ghen ăn tức ở, ưa dèm pha, thích “dìm hàng” hơn là động viên, khích lệ người khác tiến lên.
Thực tế cuộc sống cho thấy, dù có bản lĩnh đến đâu, nhiều giải pháp ứng phó đến mấy, trước những lời miệt thị, chê bai tầng tầng, lớp lớp thì cá nhân hay tập thể vẫn có thể bị lung lay, thậm chí vụn vỡ nếu không được bảo vệ kịp thời.
Để đẩy lùi tình trạng nêu trên, mỗi công dân Việt Nam, trước hết là cán bộ, đảng viên, hơn bao giờ hết phải thường xuyên trau dồi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để từ nhận thức sâu sắc tạo thành chuyển biến trong hành động. Mỗi lời nói, việc làm hãy vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển đi lên của đất nước, của nhân dân. Đó chính là cùng chung tay thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra trong chủ đề như một lời hiệu triệu đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước.
Hiện nay, các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực thông tin và truyền thông, báo chí đã và đang tích cực nâng cao công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan. Mỗi năm có hàng nghìn cá nhân, đơn vị bị xử phạt hành chính vì những phát ngôn sai. Công tác quản lý nhà nước đã và đang thu được những kết quả khả quan nên cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh việc sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, phương tiện công nghệ mới, cần huy động sự vào cuộc của người dân, sử dụng “tai, mắt” của nhân dân để gia tăng sức mạnh trên mặt trận thông tin, dư luận, kiểm soát tốt hơn, xử lý nhanh hơn, giảm thiểu thiệt hại do những thông tin xấu, độc gây ra.