Trước thực trạng có nhiều Fanpage được lập ra để tẩy chay các sản phẩm đồ uống, điển hình như Fanpage “ Tẩy chay Tân Hiệp Phát”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, theo như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh và dịch vụ, có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hóa. Về nguyên tắc việc không mua sản phẩm của DN nào đó hoàn toàn nằm trong quyền mà pháp luật cho phép người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc tẩy chay sản phẩm nào đó nên hết sức cân nhắc vì đằng sau doanh nghiệp là công ăn việc làm của rất nhiều người, chúng ta chỉ sử dụng biện pháp tẩy chay khi thực sự cần thiết. Giả sử, như một vụ việc trước đây, người tiêu dùng Việt Nam đã tẩy chay một doanh nghiệp và đã đem lại kết quả tích cực, cuối cùng doanh nghiệp phải nhượng bộ.
Về việc các Fanpage này lập nên liệu đang đứng về phía người tiêu dùng hay có ý xấu nhằm bôi nhọ doanh nghiệp? Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết, có thể các Fanpage này được lập nên một cách vô tư, vì lợi ích chung của tất cả mọi người nhưng cũng không thể loại trừ khả năng đó là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, vì sự cạnh tranh trong thị trường hiện nay vô cùng khắc nghiệt, nhiều khi người ta có thể làm bất cứ điều gì để cạnh tranh lẫn nhau, bôi nhọ hoặc hãm hại nhau.
Chính vì thế, theo ông Việt, làm gì cũng cần phải xuất phát từ thực tế chung của xã hội, nếu những trang web như vậy xuất phát từ động cơ không đúng thì trước sau gì cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ, có thể nhiều người bị lôi kéo vào các Fanpage đó vì chưa hiểu hết mục đích sâu xa và bị lôi kéo theo kiểu “ phong trào”. Nếu có ý đồ xấu mà được các cơ quan chức năng vào cuộc thì người chủ mưu lập nên Fanpage đó sẽ bị pháp luật xử lý.
Đặt nghi vấn, liệu việc lập ra các diễn đàn hoặc Fanpage kêu gọi tẩy chay sản phẩm bào đó liệu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, ông Việt cho rằng, đương nhiên là có thể có trường hợp như vậy, vì đó là chuyện hoàn toàn bình thường trong cơ chế thị trường hiện nay nhưng quan trọng là mình tìm ra được, vạch ra được những sai phạm đó, tuy nhiên làm được điều này không phải là dễ.
Ở nước ngoài hay Việt Nam, đều có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trên cơ sở luật, quy chế của luật để DN có thể làm việc với người tiêu dùng – người bị mua phải những sản phẩm bị lỗi để hai bên thương thảo, giải quyết trên cơ sở của sự thỏa thuận, nếu sau khi thương thảo mà không giải quyết được thì cần nhờ đến cơ quan là Hội Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên cơ sở của luật, thứ ba là đến cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chất lượng để kiểm tra sản phẩm nhử Bộ Y tế, Bộ Công an, để giải quyết.
“Điều quan trọng đầu tiên là phải dựa trên cơ sở là cái lý và cái tình, giữa các bên, mà việc dàn xếp thỏa thuận được với nhau là tốt nhất còn nếu không giải quyết được thì cần đến sự vào cuộc của cơ quan pháp lý” – ông Việt nói.
“Việc tẩy chay sản phẩm nào đó là đúng, là cần thiết khi quyền lợi của người tiêu dùng thực sự bị xâm phạm, bị lợi dụng, hoặc doanh nghiệp làm ra những sản phẩm lỗi mà không đứng ra nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền tẩy chay. Tuy nhiên, có thể phong trào “ tẩy chay” này hoạt động khi chưa có sự kết luận của cơ quan điều tra, hoặc chưa được cơ quan pháp lý chấp nhận, cũng có thể chính doanh nghiệp lại là bên bị hại, bị lợi dụng gây tổn hại cho doanh nghiệp…” – ông Việt cho hay.
Người tiêu dùng có sức mạnh khi có sự đoàn kết với nhau, nhưng sức mạnh này cần phải là sức mạnh của chính nghĩa, ông Việt bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, Cục Quản lý cạnh tranh cần thiết phải vào cuộc xác minh, xem xét các động cơ của những trang web này để bảo vệ người tiêu dùng, hoặc doanh nghiệp bị hại.