Thạch Thất: Diện mạo nhiều màu sắc sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô
Ảnh minh họa |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định: sau 10 năm nhìn lại, chủ trương sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Ông Hoàn cũng nhấn mạnh, dù lúc đầu còn có những hoài nghi song thực tiễn qua 10 năm cho thấy, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy khi hợp nhất Hà Nội chính là thành công lớn nhất. Thành tựu đó còn là tiền đề để Hà Nội thực hiện Nghị quyết 39 sau này.
10 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và phát triển, đạt mức tăng trưởng bình quân 12,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp, tương ứng là 68,2% - 22,2% - 9,6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tăng gấp 4,5 lần so với trước khi hợp nhất về Hà Nội và là huyện có thu nhập bình quân cao nhất khu vực nông thôn.
Với thế mạnh là một huyện có nhiều làng nghề truyền thống như nghề mộc, cơ khí, kim khí, chế biến lâm sản, huyện đã nhân rộng các mô hình làng nghề truyền thống này và phát triển thêm những nghề mới, đến nay, toàn huyện đã có 01 khu công nghiệp, có 10 làng nghề trên tổng số 50 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, có 1.316 doanh nghiệp và gần 21 nghìn hộ kinh doanh, sản xuất.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Thạch Thất là huyện tiếp nhận thêm 3 xã, thời điểm bắt đầu kinh tế khó khăn nhưng sau 10 năm hợp nhất, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 12% trong 10 năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp 62%, thương mại - dịch vụ 22%...). Nước sạch với huyện đã đạt trên 70% sử dụng nước sạch sông Đà, phấn đấu 2020 là 100%; tỷ lệ hộ nghèo từ 9,3% đến nay chỉ còn 1,18%. Thu nhập bình quân tăng từ 13 triệu đồng/người/năm lên 52 triệu đồng/người/năm.
Phát triển kinh tế gắn với đời sống văn hóa
Ngay sau khi sáp nhập vào TP. Hà Nội, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội (KTXH) và thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện. Trong 10 năm, ngân sách đầu tư là 4 nghìn tỷ, chưa tính nguồn huy động xã hội hóa cho hạ tầng, kết quả điện đường trường trạm của Thạch Thất phát triển với tổng số dự án đã triển khai là 1.051.
Cùng với đó, nhờ việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Thạch Thất cũng đạt được nhiêu hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn huyện đã có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu trong năm 2018 đạt huyện NTM. Về cấp nước sạch, đến nay, huyện đã hoàn thành việc cấp nước sạch ở 10 xã, thị trấn, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 69%.
Công tác văn hóa, xã hội và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được chính quyền, nhân dân Thạch Thất đồng bộ triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực: Các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, đảm bảo đồng bộ thống nhất, hoạt động ngày càng hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, huyện Thạch Thất đã đạt nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Huyện đã có 59,74% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó đạt trên chuẩn đối với bậc mầm non 77,3%, tiểu học 89,3%, THCS 70,8% và hiện đang là huyện có tỷ lệ học sinh giỏi đứng tốp đầu của thành phố.
Đằng sau những kết quả ấn tượng của chặng đường 10 năm thực hiện nghị quyết, chính là một Đảng bộ huyện Thạch Thất với tinh thần đoàn kết vững mạnh, chính quyền năng động, sáng tạo, Nhân dân cần cù, vươn lên từ xuất phát điểm thấp; là điểm sáng trong bức tranh phát triển KTXH của Thủ đô Hà Nội.