Thái Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp hướng tới nền kinh tế năng động
Tin hoạt động 24/07/2019 08:51
Ưu thế phát triển ngành dệt may
Theo bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, năm 2018, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đề ra: GRDP tăng 10,53%, giá trị sản xuất tăng 12,25% so với năm 2017. Đây là năm thứ ba liên tiếp, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 20,07%; thương mại, dịch vụ phát triển ổn định; kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá. Tốc độ phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước tăng 13,8%; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 22,4%; giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương, thị trường được tăng cường, bảo đảm tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, sớm đưa khu kinh tế tổng hợp này vào hoạt động tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đánh giá về phát triển công nghiệp Thái Bình, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, thế mạnh của tỉnh là ngành dệt may, hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày chiếm 75%, đây là cơ sở tốt để Thái Bình tiếp tục khai thác về tiềm năng phát triển công nghiệp dệt may. Bên cạnh đó, chú trọng quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung, liên kết ngành và thu hút đầu tư trong đó có dệt, vải nhuộm và các nguồn nguyên liệu.
“Đối với các doanh nghiệp, hiện Thái Bình chưa có doanh nghiệp đầu tầu quy mô lớn, mang tính lan tỏa về mặt công nghiệp, theo đó địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phát triển. Cụ thể đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, dệt may, điện tử…tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Hoài nêu ý kiến.
Đồng tình quan điểm trên ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Thái Bình nằm trong top có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt như dệt may, da giày, xơ sợi. Tuy nhiên, Thái Bình phải chú trọng tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may, tận dụng lợi thế trong các Hiệp định thương mại mang lại, như vậy mới tăng được giá trị xuất khẩu. “Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với Sở Công Thương về những rào cản mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải trong quá trình thu hút đầu tư, thị trường xuất khẩu”- ông Chinh khẳng định.
Phát huy lợi thế địa phương, thu hút đầu tư
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ hơn nữa cho Thái Bình, đồng thời có giải pháp thúc đẩy làn sóng đầu tư vào tỉnh, có cơ chế hỗ trợ vốn cho tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sớm đưa khu kinh tế vào hoạt động. Bộ Công Thương cũng cần có sự nghiên cứu cụ thể và tiếp tục có kế hoạch đầu tư khai thác nguồn khí, than của Thái Bình để phục vụ phát triển ngành công nghiệp của tỉnh cũng như trong khu vực.
Ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao Thái Bình đã phát huy tối đa cơ chế, chính sách của Nhà nước, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Tỉnh đã xác định rõ định hướng chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại thời gian tới theo hướng hiện đại. Thái Bình đã phát huy tối đa cơ chế, chính sách của Nhà nước, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại thời gian tới theo hướng hiện đại. “Cơ cấu công nghiệp, dịch vụ địa phương có sự tăng trưởng ổn định đã tạo ra được tiền đề hướng tới nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển”- Bộ trưởng chỉ rõ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, mặc dù tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu cao, nhưng giá trị thu được nhỏ, ngay trong 6 tháng đầu năm Thái Bình xếp hạng 10/10 trong số các các tỉnh của Đồng bằng Bắc bộ, như vậy tỉnh vẫn chậm so với bức tranh hội nhập. Nếu chúng ta không quyết liệt ví trí này khó mà cải thiện. “Như vấn đề thu hút đầu tư, chúng ta đã có đầu tư lớn, nhưng đến thời điểm này chỉ có 84 dự án, xếp hạng Thái Bình đứng thứ 44/63 của cả nước, chính vì vậy cần cải thiện và thu hút đầu tư mạnh hơn nữa trong thời gian tới”- Bộ trưởng nói.
Phân tích cụ thể về môi trưởng đầu tư, Bộ trưởng nhìn nhận, Thái Bình có trung tâm điện là điều kiện để thu hút những nguồn lực đầu tư và dự án lớn, lĩnh vực về dầu khí cũng đang phát triển, mục tiêu đã rõ ràng nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được khi có yêu cầu. Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng như Trung tâm dệt may lớn của Thái Bình với hơn 300 điểm dệt may, tuy vậy quy mô xuất nhập khẩu chưa tương xứng, chất lượng chưa cao. “Một năm chúng ta xuất khẩu 1 tỷ USD về sản phẩm của dệt may, thì nhập khẩu cũng gần 1 tỷ USD với sản phẩm phụ trợ cho ngành dệt may…Điều đó có nghĩa là giá trị gia tăng không lớn, chưa kể đến tính bền vững trong chất lượng sản phẩm xuất khẩu”- Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Để phát huy vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển, vị trí kết nối, liên kết kinh tế vùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị Thái Bình cần phát triển công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tận dụng tốt các ưu đãi mà các hiệp định thương mại mang lại. Tỉnh cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh. Sở Công Thương phải là đơn vị tham mưu tích cực cho tỉnh thu hút đầu tư và cơ cấu lại ngành công nghiệp, thương mại. Bộ Công Thương sẽ phối hợp tích cực với tỉnh để tổ chức thu hút đầu tư, thu hút công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đầu tư hệ thống thương mại nội địa bán lẻ tạo ra hạ tầng kinh tế, kỹ thuật tốt nhất giúp Thái Bình phát triển công nghiệp, thương mại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thông tin, hiện Chính phủ chủ trương xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trải dài trên 30 xã một thị trấn thuộc 12 huyện ven biển, đang trong quá trình làm thủ tục. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ tỉnh, về mặt chủ tương trên cơ sở Chính phủ đã đồng ý rồi. Với chủ trương này Thái Bình sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp hướng tới bền vững.
Đối với việc khai thác mỏ than Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Vụ Dầu khí và Than phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ phù hợp, hiện đại để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. |