Sống trong ngôi làng “hạnh phúc”
Gia đình chú Nguyễn Đình Hòa và cô Nguyễn Thị Mùi ở thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình cùng làm nghề kéo tơ, dệt lụa. Trong khi cô Mùi làm công đoạn kéo đũi thì chú Hòa làm công đoạn guồng sợi.
Cô Nguyễn Thị Mùi cho hay: Hai tay phải luôn ngâm trong nước suốt cả ngày và thường xuyên phải xoa phèn chua để làm mềm da tay. Kéo sợi cần có mắt tinh và khéo léo để sợi tơ mới có thể được kéo thành công. |
Khoe đôi bàn tay nứt nẻ, nhuốm màu của thời gian, của dấu tích của nghề, cô Mùi kể trong niềm vui hân hoan: “Từ tổ kén trắng thu về sẽ được ngâm trong nước, sau đó vắt sạch nước và giữ lại nước đó. Kén được đặt vào nồi và đun sôi trong vài phút cho đến khi đều thâm. Sau khi luộc, kén được vắt hết nước và thả vào nước đã được giữ lại, ngâm qua đêm để kén chín. Kén chín sẽ được vắt nước và được kéo thành sợi.
Công việc hàng ngày của cô nói đơn giản chỉ có vậy nhưng rất vất vả do sản phẩm làm thủ công, cả ngày cũng chỉ được khoảng 0,7 lạng. Trong mùa đông, khi nước lạnh, phải thỉnh thoảng thêm nước nóng để đảm bảo sợi tơ kéo mềm mại. Thu nhập tuy không cao, nhưng vui và hành phúc vì vẫn được làm nghề và giữ nghề”, cô Mùi cho biết.
Chú Nguyễn Đình Hòa đang trong công đoạn guồng sợi |
Nhà đã 4 đời theo nghề, chú Nguyễn Đình Hòa cho biết, trước kia, gia đình có 4 - 5 khung guồng sợi, nhưng nay chỉ còn lại một khung. Phụ trách công đoạn tiếp theo của kéo sợi, chú Hòa cho hay, sợi tơ kéo ra yêu cầu phải khô, nỏ phải đều. Cũng theo chú Hòa, vợ chồng cô chú đã làm công đoạn này gần 60 năm. Sợi tơ, sợi đũi cũng là sợi se duyên của cô chú "yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu".
Là một trong những nghệ nhân làng nghề, đôi tay bà Nguyễn Thị Bốn, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình nhuốm màu của thời gian và dấu tích của nghề ươm tơ dệt đũi.
Bà kể, “Tôi đẻ ra từ trong khung cửi, lớn lên thấy bố mẹ làm dệt lụa thì làm theo, chân không với khung cửi vẫn dậm. Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay. Đến nay, tôi vẫn say nghề và mong muốn con cháu nối nghề”. Bởi với bà, được làm nghề không chỉ có thu nhập mà còn là sự hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Bốn, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình vui bên công việc hàng ngày của mình |
Hạnh phúc là 2 chữ đã được bà Bốn, bà Mùi mà rất nhiều các nghệ nhân sinh ra, lớn lên và gắn bó với làng nghề dệt đũi Nam Cao nhắc đến, bởi với họ, không chỉ là việc làm, thu nhập, mà là sự khôi phục của một làng nghề đã từng bị mai một và tưởng chừng mất hẳn. Và ở cái tuổi “xưa nay hiếm” họ thấy yêu nghề, yêu mình, mong muốn cống hiến để giữ nghề cho mai sau, và thấy làng quê mình trở thành vùng quê đáng sống.
Theo những người nghệ nhân trong làng, làng dệt đũi Nam Cao hình thành từ 400 năm trước, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Và chỉ cách đây 20 năm trước, làng nghề đũi Nam Cao vẫn rất thịnh, hàng được xuất khẩu đến Lào, Thái Lan, có ngày xuất 1 container. Người dân ở đây ai cũng giàu có.
Nhưng rồi nghề dệt đũi Nam Cao bắt đầu đi xuống khi trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan năm 2012 cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của doanh nghiệp lụa tại đây. Nhà mối bên đấy “bùng cai”, tức thương lái ở Việt Nam và “cai” cũng bùng luôn của người dân. Người dân bị bùng tiền cộng thêm không có đối tác đặt nên chuyển sang làm việc khác, nghề dệt suy yếu dần.
Thời thế đổi thay, làng nghề truyền thống quê hương rơi vào tình cảnh suy thoái trong cơn bão kinh tế thị trường. Hàng làm ra không bán được, khó cạnh tranh với mặt hàng may công nghiệp khiến những nghệ nhân cả đời gắn bó với lụa cũng phải ngậm ngùi bỏ nghề.
Những người trẻ đi học, đi làm ăn xa nhờ những đồng vốn mà cha mẹ kiếm được từ nghề dệt lụa, họ cũng thành công ở các đô thị và không trở về quê làm nghề nữa. Từ làng nghề hơn 400 năm tuổi, dệt đũi Nam Cao dần mai một chỉ còn 3 hộ. Làng nghề truyền thống đang dần rơi vào quên lãng.
Và câu chuyện vực dậy một làng nghề
Đứng trước nguy cơ bị xóa xổ, làng đũi Nam Cao bỗng “vui” trở lại khi Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao được thành lập. Và câu chuyện phục dựng lại một làng nghề lại bắt đầu từ chị Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao, chủ thương hiệu Hanhsilk.
Chị kể: “chưa từng nghĩ tới một ngày mình sẽ gắn bó với trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, quay tơ. Tuy nhiên, nghề đến với tôi như một cái duyên”.
Chị Hạnh cho biết giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái “chất” ban sơ. Do đó, tôi trân trọng các sản phẩm làm thủ công và mong muốn giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa.
Những vật dụng quen thuộc của nghệ nhân kéo đũi |
“Chiếc khung cửi làm bằng gỗ lim, có tuổi đời hàng trăm năm, gần như là thợ dệt đầu tiên của làng đũi Nam Cao bị bỏ xó trong chuồng bò, bao phủ bởi mạng nhện và gạch ngói. Nếu chúng tôi chỉ đến muộn 5 ngày thì chiếc khung cửi này sẽ bị mang ra để nấu bánh chưng”, chị Hạnh kể mang với cảm xúc hạnh phúc và may mắn bởi những chiếc khung cửi trăm năm tuổi sẽ cho ra đời những mảnh lụa, đũi với chi tiết tinh xảo. Cùng với chiếc khung cửi cổ này, Hợp tác xã vẫn thu gom mua được mấy chục khung xe sợi.
Với chiến lược “chất” và “thật”, Hợp tác xã đã hình thành được chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu - sản xuất – tiêu thụ - xuất khẩu với 16 công đoạn.
Nếu đũi Nam Cao trước đây chủ yếu chỉ có màu trắng ngà hoặc nhuộm màu nâu đất, chưa đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã thì nay 100% sản phẩm lụa, đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng…
Nhờ sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và xanh từ khâu sản xuất cho đến tay khách hàng, xem khách hàng là đại sứ thương hiệu, lụa Hanhsilk đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới nhiều thị trường khắt khe thế giới như châu Âu, đồng thời được người dùng trong nước đón nhận.
Không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như khăn mặt, khăn quàng cổ, áo dài, vest, chăn gas… mà Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao đang đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.
Chị Lương Thị Hạnh đang giới thiệu với du khách về Hợp tác và sản phẩm làng nghề |
Hợp tác xã là đơn vị sản xuất lụa tơ tằm duy nhất tại Việt Nam được lên kênh Business Insider – kênh Youtube với hàng triệu người đăng ký. Business Insider đã ví cuộc sống của những nghệ nhân tại làng nghề lụa Nam Cao như “nuôi tằm ăn cơm đứng” luôn vươn lên dù có muôn vàn khó khăn, chắc trở.
Chị Hạnh kể: “Khi các bạn kênh Business Insider đến thăm, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là họ muốn tìm hiểu làng nghề nhưng không ngờ khi chương trình được phát sóng thì sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều bạn bè gửi tin nhắn hỏi thăm, vì thấy tôi trên kênh youtube của Mỹ.
Hợp tác xã nhận được nhiều tin nhắn tìm hiểu về tour du lịch, địa chỉ, các sản phẩm. Trong đó, nhiều khách hàng là các trường học, công ty hàng đầu thế giới. Và một trong những vị khách hàng mà bà chủ Hanhsilk nhớ tới là đoàn hơn 40 lãnh đạo cấp cao tập đoàn siêu xe Porsche – Volkswagen khi tới Việt Nam.
Bà Màu – Nghệ nhân đánh sợi dọc. Bà năm nay đã hơn 80 tuổi và đã gần 70 năm tuổi nghề. |
Tiếp nối những thành công này, năm 2024, Hợp tác xã Đũi Nam Cao kỳ vọng đón 50 nghìn lượt khách đến Thái Bình. Lịch trình năm nay sẽ đón 70 đòn khách trên thế giới, họ đã đặt từ 6 tháng trước…. Du khách, khách hàng tìm tới Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao vì chúng tôi có những câu chuyện, có nghệ nhân đặc biệt.
“Tấm khăn được dệt bằng lụa tơ tằm, sau khi hỏng sẽ được cắt ra, bón cho đất, mấy tháng sẽ ăn vào đất và tốt cho đất, hành trình tuần hoàn quay trở lại, bảo vệ môi trường. Trong khi với vải thông thường, phải mất 200 năm mới có thể phân hủy được. Những gì tự nhiên nhất thì quay trở lại tự nhiên”, chị Hạnh chia sẻ và cho biết để làng nghề phát triển, chúng tôi chỉ là 1 phần bé nhỏ, các nghệ nhân mới là người thổi hồn, làm sống lại các làng nghề.
Thế hệ trẻ sẽ là những người viết tiếp câu chuyện của làng nghề dệt đũi Nam Cao |
"Tỉnh Thái Bình chỉ nhắc đến lúa, không nhắc đến lụa. Nhưng chúng tôi đã phát triển Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao và khẳng định Thái Bình không chỉ có lúa mà còn có lụa. Bởi kéo đũi vẫn là truyền thống, là cái nôi của tỉnh Thái Bình", chị Hạnh cho biết.
Từ khi bắt đầu chỉ có 3 hộ tham gia, hiện quy mô Hợp tác xã đã lên gần 300 thành viên và dự định sẽ phát triển 1.000 thành viên. Để phát triển nghề, hiện Hợp tác xã thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề, đặc biệt có cuộc thi tay nghề cho các bạn nhỏ, là những thế hệ kế cận nối nghề quay tơ dệt lụa tại Nam Cao. Đây cũng là cách để Hợp tác xã lan tỏa tình yêu với nghề. Hi vọng, trong tương lai không xa, chính con em làng nghề sẽ là người thay “cô gái lụa” để có thể phát triển làng nghề trên "quê hương 5 tấn".
Năm 2023, nghề dệt đũi xã Nam Cao được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi đến du khách quốc tế những nét đẹp văn hóa về làng nghề truyền thống. |