Thái Bình rộng cửa đón đầu tư vào nông nghiệp
Tin hoạt động 08/04/2017 14:09
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Mảnh đất nhiều tiềm năng
Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp do lợi thế về đất đai, sông biển và khí hậu. Cụ thể, tỉnh hiện có 79.544 ha đất lúa, 14.689 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và khoảng 6.000 ha đất ngập mặn. Toàn tỉnh cũng có 192 xã có quy hoạch các điểm, vùng cho phát triển chăn nuôi, thuỷ sản với tổng diện tích 4,236 ha.
Nguồn lao động dồi dào với trên 1 triệu lao động, có trình độ thâm canh cao, tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng là một lợi thế lớn cho Thái Bình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, số lao động được đào tạo đang tăng dần.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự hội nghị |
Ngoài ra, tỉnh còn có lợi thế về hạ tầng bao gồm cả đường giao thông và hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Lợi thế về vị trí địa lý và thị trường do nằm trong tầm ảnh hưởng của hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nên rất thuận tiện cho kết nối giao thương hàng hóa trong khu vực và xuất khẩu…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết: Thái Bình luôn được xem là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Thời điểm chiến tranh, Thái Bình là tỉnh đầu tiên vươn lên đạt 5 tấn lúa/ha; thời kỳ hòa bình lại là tỉnh tiên phong phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và dành nhiều ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Với những nỗ lực đó, hiện 70% khâu thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã được cơ giới hóa. Tỉnh cũng thu hút được khoảng 91 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng.
Cam kết đồng hành cùng DN
Ông Nguyễn Hồng Diên nhận định, do nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu nên ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Để thực hiện định hướng này, Thái Bình đã xây dựng các giải pháp trọng tâm: Tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch và sản xuất tập trung theo chuỗi hàng hóa. Vận dụng linh hoạt các hình thức tích tụ ruộng đất trên cơ sở không trái với các quy định của pháp luật. Trong đó, hình thức tích tụ chủ yếu là vận động người dân có ruộng nhưng không có nhu cầu sản xuất tự nguyện ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức có tiềm năng phát triển nông nghiệp tập trung. Tỉnh cũng sẽ tăng cường vận động tạo sự đồng thuận cao nhất của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; trao quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nghiên cứu đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án và thỏa thuận cung cấp tín dụng cùng các gói tài trợ từ các doanh nghiệp |
“Thái Bình nhận thức rằng DN là động lực cho phát triển. Tỉnh cam kết luôn lắng nghe và khắc phục mọi khó khăn, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đồng thời cử cán bộ có năng lực làm nhệm vụ nhằm hỗ trợ tối đa cho DN” - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Thái Bình đã đạt được trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm qua. Thủ tướng đề nghị, Thái Bình phải phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu của cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm cho nông, thủy sản. Muốn thành công phải có sự liên kết của 5 nhà: Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà bank (ngân hàng), trong đó doanh nghiệp có vai trò đi đầu. Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn nông nghiệp Thái Bình trong thời gian tới: Phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong đổi mới trong phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp chất lượng cao. Tập trung đầu tư chuỗi giá trị sản phẩm chế biến tạo thương phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn.
Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở những tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Bình tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược dài hạn. Xác định rõ tiềm năng lợi thế và định hướng phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Tập trung mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản. Tạo điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, thực hiện đúng cam kết và hình thành mối quan hệ bình đẳng với nông dân. Tập trung sản xuất theo chuỗi khép kín, chú trọng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Sau hội nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư và chính quyền các cấp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.
"Về phía Chính phủ, sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tốt hơn; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại Thái Bình nói riêng và các địa phương khác trên cả nước" - Thủ tướng khẳng định.
Tại hội nghị, tỉnh Thái Bình đã trao các quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng với hơn 7.127ha diện tích đất thuê; trong đó trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản… Trong số này, có các dự án lớn như dự án trồng lúa chất lượng cao, khu nuôi trồng thủy sản, hải sản kết hợp dịch vụ sinh thái tại huyện Tiền Hải do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn GELEXIMCO) đầu tư với số vốn 1.200 tỷ đồng.