Thời gian qua, cơ quan chức năng ghi nhận một số vụ ngộ độc liên quan đến uống rượu, đã có trường hợp nạn nhân tử vong.
Theo đó, ngày 24/7, thông tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đang điều trị 5 trường hợp do ngộ độc methanol, trong đó có 1 trường hợp từ Thái Nguyên và 4 trường hợp từ huyện Thường Tín (TP. Hà Nội). Cả 5 bệnh nhân này đều cùng uống một loại rượu xuất xứ từ Thái Nguyên.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: Quỳnh Mai |
Về vấn đề này, ngày 24/7, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế TP. Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên để triển khai gấp một số nội dung. Trong đó, công văn đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công Thương tỉnh dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên.
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chuyên môn và các nội dung xác minh, Sở Y tế Thái Nguyên xác định: Nạn nhân người Thái Nguyên nêu trong các bài báo là ông H.V.T. (SN 1976, trú tại tổ dân phố Giã Thù, phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên).
Ngày 23/7 vừa qua, ông T. có uống rượu tại nhà và quán ăn sáng gần nhà. Đến 4h ngày 24/7, ông có biểu hiện mệt mỏi, 2 mắt nhìn mờ; đau khắp vùng bụng, vã mồ hôi và gọi hỏi chậm. Nạn nhân được đưa vào Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện C Thái Nguyên), rồi sau đó được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Theo thông tin từ người nhà, ông T. có tiền sử bệnh xơ gan, thường xuyên uống rượu.
Cùng thời điểm ngày 24/7, Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân ngộ độc methanol (gồm 2 người tại huyện Thường Tín; 1 người ở quận Thanh Xuân và 1 người tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).
Những bệnh nhân trên cùng ăn tiệc tại một đám cưới tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Loại rượu dùng trong tiệc cưới có ngâm với quả táo mèo, mua của một gia đình tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong nhóm những người uống cùng nhau này, 1 nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu và đã tử vong tại nhà.
Như vậy, có thể khẳng định, các bệnh nhân nêu trên không uống rượu xuất xứ từ Thái Nguyên; không cùng ăn, cùng uống với bệnh nhân H.V.T. (SN 1976, ở phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên). Những thông tin đăng tải trên một số cơ quan báo chí là không chính xác.
Đối với đề nghị của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế Thái Nguyên đã nhanh chóng lấy các mẫu rượu ông H.V.T. uống để gửi kiểm nghiệm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không phát hiện trường hợp nào có triệu chứng ngộ độc rượu tương tự như ông T.
Hiện, Sở Y tế Thái Nguyên đã và đang tăng cường giám sát, điều tra để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc methanol trên địa bàn để tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, báo cáo theo quy định. Đồng thời, phối hợp với ngành Công Thương, chính quyền các địa phương kiểm tra, tổ chức truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến các bệnh nhân ngộ độc methanol.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; tuyên truyền cho nhóm đối tượng nghiện rượu tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng cồn y tế, cồn sát trùng pha chế thành rượu để uống.
Khuyến cáo sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dùng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không giấy phép và không đảm bảo kỹ thuật được bày bán trên thị trường.
Cơ quan này cũng kiến nghị kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.