Công nghệ khai thác bằng giàn chống mềm ZRY |
Công nghệ khai thác bằng giàn chống mềm ZRY là công nghệ khai thác mới với những tính năng nổi bật về độ an toàn, đặc biệt giải quyết tốt vấn đề tổn thất than trong quá trình khai thác. Từ tháng 9/2017, Than Nam Mẫu đã triển khai lắp đặt giàn chống mềm ZRY tại lò chợ vỉa 6A tuyến 2A-4A, mức +50-125 tại phân xưởng Khai thác 5. Sau hơn 1 tháng chính thức đưa vào vận hành công nghệ khai thác này tại Than Nam Mẫu cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của lò chợ đạt được tương đối khả quan như: Việc bố trí hệ thống đường lò và biểu đồ tổ chức sản xuất đơn giản; sản lượng khai thác đạt 8.000 tấn/tháng; năng suất lao động đạt 6,5 tấn/công; chi phí mét lò chuẩn bị và tổn thất than đều giảm so với các lò chợ áp dụng công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng.
Ngoài ra, Than Nam Mẫu còn lắp đặt bổ sung kịp thời các thiết bị vận chuyển vật tư như tời điện, tời khí nén, hệ thống đường mônôray tại các đường lò để giảm sức lao động của công nhân. Đặc biệt từ tháng 7/2017, Than Nam Mẫu còn tự thiết kế, gia công và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống băng tải truyền tải phục vụ công tác đào lò tại hiện trường sản xuất phân xưởng Đào lò 6. Do hệ thống cầu truyền tải có thể di chuyển linh hoạt được trên đường sắt nên không phải nối băng tải tiến gương thường xuyên vì thế trong gương chỉ cần 6 đến 8 người, giảm được rất nhiều công lao động.
Bằng những nỗ lực trong đổi mới công nghệ, đồng thời phát huy nội lực sẵn có, Than Nam Mẫu đã từng bước nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm chi phí sản xuất và tăng mức độ an toàn. Nếu năm 2016 hệ số thu hồi than sạch đạt 88,5% thì năm 2017 đạt 89,65%, tăng 1,48% kế hoạch; năng suất lao động từ 33,34 tấn/người/tháng đã tăng lên 33,92 tấn/người/tháng/, tăng 4,14% so với kế hoạch. Bước sang năm 2018, Than Nam Mẫu tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tình hình tiêu thụ than chậm, lượng tồn kho cao. Trước những khó khăn đó, công ty xác định phải tập trung sản xuất than chất lượng cao. Theo đó, công ty yêu cầu các phòng, ban, phân xưởng trực thuộc tính toán kỹ lưỡng, giám sát ngay từ khâu lập hộ chiếu khoan, nổ mìn tại các gương đào lò cũng như các gương khai thác.
Bên cạnh đó, công ty còn đẩy nhanh tiến độ các gương đào lò để chuẩn bị điều kiện chuyển diện cho các đơn vị; tiếp tục áp dụng việc cơ khí hoá, tự động hóa công tác vận chuyển vật tư, vật liệu, thoát nước cho gương đào lò, các dây chuyền đào lò để đẩy nhanh tiến độ. Thời gian tới, công ty sẽ ưu tiên giải pháp cải thiện điều kiện việc làm, nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất than chất lượng cao, ưu tiên chuyển than tồn kho sang vùng Hòn Gai để pha trộn và chế biến tiêu thụ theo điều hành của TKV.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả sản xuất, kinh doanh của Than Nam Mẫu 6 tháng đầu năm 2018 đều hoàn thành vượt kế hoạch: Tỷ lệ thu hồi than sạch tăng 1,28%, tổn thất than khai thác hầm lò giảm 1,54%; năng suất lao động tăng 10,5%; tiền lương bình quân đạt 14,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 20 % so với kế hoạch, lợi nhuận đạt 25,2 tỷ đồng. |