Cần chọn đúng đối tác để tránh thiệt hại trong nhập khẩu nguyên liệu và phụ gia thức ăn chăn nuôi
CôngThương - Theo Vụ Châu Á Thái Bình Dương - Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các DN nhập khẩu Việt Nam thiếu thông tin và chọn nhầm đối tác phía Trung Quốc.
Vì vậy, các DN Việt Nam khi có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và chất phụ gia thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc cần phải nắm rõ các quy định hiện hành của nhà nước Trung Quốc về việc quản lý các mặt hàng này để chọn đúng đối tác, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Hệ thống quản lý và trình tự kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hoá tại Trung Quốc
Ngày 20/7/2009, tại văn bản số 118 Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch nhà nước Trung Quốc (AQSIQ) đã phê duyệt “Quy chế giám sát, quản lý kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập khẩu thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc” có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2009.
Theo quy chế này, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc là cơ quan thống nhất quản lý trong phạm vi toàn quốc công tác giám sát, quản lý và kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập khẩu thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc. Cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đặt tại các địa phương là cơ quan phụ trách công tác giám sát, quản lý và kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập khẩu thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc trong địa bàn quản lý.
Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc áp dụng chế độ đăng ký đối với các DN sản xuất xuất khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc. Mặt hàng này phải được sản xuất, xuất khẩu từ các DN đã được đăng ký mới được phép xuất khẩu. Việc đăng ký của các DN sản xuất xuất khẩu mặt hàng này sau khi được các cơ quan hữu quan kiểm tra có đủ điều kiện sẽ được các Cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch địa phương cấp “Giấy chứng nhận đăng ký kiểm nghiệm, kiểm dịch của DN sản xuất, chế biến thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc xuất khẩu” và giấy chứng nhận đăng ký này có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày công bố. Đồng thời, hàng năm Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch nhà nước Trung Quốc ra công bố “Danh sách DN sản xuất thức ăn gia súc, chất phụ gia thức ăn gia súc xuất khẩu đã được đăng ký”, danh sách này được bổ sung, sửa đổi theo từng năm. Trong danh sách bao gồm các nội dung như: Tên cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh, tên DN, địa chỉ DN, số giấy chứng nhận đăng ký, chủng loại và tên sản phẩm của DN.
Khi nhận được đề nghị cấp “Chứng thư kiểm nghiệm kiểm dịch” đối với mặt hàng thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc của chủ hàng hoặc đại lý để hoàn thành thủ tục xuất khẩu, cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh địa phương (Trung Quốc) sẽ căn cứ vào các yêu cầu dưới đây để tiến hành kiểm nghiệm kiểm dịch gồm: yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch của các quốc gia hoặc khu vực đối với mặt hàng này; nội dung thỏa thuận, nghị định thư, biên bản ghi nhớ song phương; luật pháp, quy định, các tiêu chuẩn bắt buộc của nhà nước Trung Quốc và yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch theo quy định của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc; yêu cầu kiểm dịch quy định trong hợp đồng hoặc tín dụng thư (L/C). Đồng thời, yêu cầu chủ hàng hoặc đại lý cung cấp các chứng từ như hợp đồng thương mại, tín dụng thư (L/C), giấy chứng nhận đăng ký kiểm nghiệm kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xưởng đạt tiêu chuẩn.
Hàng hóa sau khi được kiểm nghiệm, kiểm dịch đạt tiêu chuẩn sẽ được cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh nơi xuất xứ hàng hóa cấp “Giấy chứng nhận thông quan cho hàng hóa xuất cảnh” hoặc “Chứng thư kiểm nghiệm kiểm dịch”.
Lựa chọn DN Trung Quốc
Theo các quy định trên, để chọn được các đối tác tin cậy, các DN Việt Nam khi có nhu cầu nhập khẩu về mặt hàng này chỉ nên lựa chọn các DN nằm trong danh sách được công bố. Trong giao dịch, ngoài việc yêu cầu đối tác xuất trình “Giấy phép kinh doanh” có hiệu lực do Cục Quản lý hành chính công thương địa phương cấp, còn phải yêu cầu họ xuất trình “Giấy chứng nhận đăng ký kiểm nghiệm kiểm dịch của DN sản xuất, chế biến thức ăn gia súc và chất phụ gia thức ăn gia súc” do Cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch địa phương cấp.
Khi ký kết hợp đồng nhập khẩu cần phải đưa vào nội dung hợp đồng và thư tín dụng (L/C) các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh cụ thể do các cơ quan hữu quan của Việt Nam quy định đối với mặt hàng này (ví dụ: hàm lượng melamine có trong bột cá phải không lớn hơn 2,5mg/kg …). Chứng thư chất lượng quan trọng nhất đối với mặt hàng này là “Giấy chứng nhận thông quan cho hàng hóa xuất cảnh”, hoặc “Chứng thư kiểm nghiệm kiểm dịch” do cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh nơi xuất xứ hàng hóa cấp. Cần kiểm tra thật kỹ, đề phòng trường hợp người bán giả mạo Giấy chứng nhận này (ví dụ: hàng hóa được sản xuất tại một địa phương, nhưng Giấy chứng nhận lại do một địa phương khác cấp).
Khi hàng hóa về đến cảng tại Việt Nam, DN cần phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và lập biên bản ngay tại cảng trước khi đưa hàng về kho của mình. Thực tế cho thấy, đã có một số công ty Trung Quốc dựa vào cớ cơ quan hữu quan Việt Nam tiến hành lấy mẫu và lập biên bản tại kho của người mua để trốn tránh trách nhiệm về chất lượng hàng hóa được giao./.