Tháng 7, cả nước xuất siêu 74 triệu USD Đến nửa tháng 8, cả nước xuất siêu 1,39 tỷ USD |
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 1/2023 (từ ngày 16-31/1) đạt 18,09 tỷ USD, giảm 36% (tương ứng giảm 10,17 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 1/2023 do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết Nguyên đán.
Cả nước xuất siêu trong tháng đầu năm 2023 |
Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng đầu năm 2023 đạt 46,56 tỷ USD, giảm 25% (tương ứng giảm 15,5 tỷ USD) so với tháng 1/2022.
Trong kỳ 2 tháng 1, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 39 triệu USD. Tuy nhiên, tính trong tháng đầu tiên của năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 656 triệu USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, kỳ 2 tháng 1 đạt 9,02 tỷ USD, giảm 37,8% (tương ứng giảm 5,47 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 1/2023.
Hết tháng 1, xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,61 tỷ USD, giảm 25,9%, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 1 đạt 9,06 tỷ USD, giảm 34,1% (tương ứng giảm 4,7 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 1/2023.
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hoá Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA; thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thuận lợi hơn cho xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu và phát triển thị trường nước ngoài trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh; tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới để hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thức;
Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước CPTPP; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại…