Tháng 4, nhớ về nơi đầu sóng, ngọn gió...
Cờ Tổ quốc – “cột mốc” biên cương thiêng liêng trên biển |
Cờ Tổ quốc thắm đỏ giữa trùng khơi
“Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió
Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào...”
Biết đến những câu thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ từ năm 2012, nhưng phải đến khi ra với các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, ngước mắt nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, tôi mới thực sự đồng cảm sâu sắc với tác giả bài thơ. Vẫn là lá cờ Tổ quốc thiêng liêng và thân thuộc, giữa đảo xa nghìn trùng bỗng mang đến những xúc cảm mạnh mẽ đến lạ kỳ...
Lễ chào cờ xúc động tại đảo Trường Sa lớn |
Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có hình dáng và những đặc trưng riêng, nhưng trên mỗi đảo, dù lớn hay nhỏ, lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn ở vị trí trang trọng nhất. Lá cờ thay cho lời chào đón đầu tiên, trân trọng và ý nghĩa, để những phút tàu đến gần đảo, trong lòng mỗi người lại trào dâng xúc động khi nhìn thấy từ xa lá quốc kỳ - biểu tượng của “cột mốc” biên cương thiêng liêng trên biển.
Dưới lá cờ Tổ quốc, niềm vui, niềm hạnh phúc như đong đầy khi được gặp gỡ với những cán bộ, chiến sĩ bằng xương, bằng thịt đang ngày đêm giữ đảo. Không nói ra, nhưng trong giây phút ấy, dường như ai cũng cảm nhận rõ hơn trọng trách lớn lao đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Còn nhớ, buổi dừng chân ở đảo Tốc Tan A, khi chúng tôi đang trò chuyện với các chiến sĩ, cô bé Thái Thuỷ từ đâu chạy ào đến, tay nâng lá cờ gấp gọn, giọng nghẹn ngào: “Các chị ơi, cờ chủ quyền - các anh trên đảo Tốc Tan A tặng cho em”. Niềm hạnh phúc pha chút hãnh diện ngập tràn trên gương mặt cô gái trẻ - cô gái từng vỡ òa vì hạnh phúc khi hay tin mình có trong danh sách đoàn công tác ra thăm đảo Trường Sa.
Chuyền tay nhau lá cờ đã bạc màu, điểm một vài chữ ký của cán bộ, chiến sĩ trên đảo..., chúng tôi ai cũng rưng rưng. Bất giác, câu chuyện về 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma năm 1988 lại hiện về. Trước quân thù hung hãn, có chiến sĩ đã ôm lấy lá cờ không cho kẻ thù đoạt lấy; khi biết không còn chỗ che chắn, ẩn nấp, các chiến sĩ đã tạo thành một vành đai phòng thủ 360 độ - với lá cờ Tổ quốc tung bay ở trung tâm – một thế trận được ví như “Vòng tròn bất tử”. Có lẽ, với những cán bộ, chiến sĩ hi sinh anh dũng trên đảo Gạc Ma, trong những phút cam go, quyết liệt và đau đớn ấy... lá cờ tổ quốc chính là hình ảnh đất nước, quê hương, là hi vọng, là niềm tin để họ sẵn sàng xả thân, hi sinh, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc...
Phút tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa |
“Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc” – cảm ơn những câu thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ được khơi nguồn từ cảm xúc ở Trường Sa – Những câu thơ đã giúp chúng tôi hiểu hơn hành trình giữ nước của cha anh, để từ đó trách nhiệm hơn với những ngày đang sống.
Cờ đỏ sao vàng giữa trùng khơi lồng gió |
Thanh xuân gửi đảo tiền tiêu
Một ngày cuối tháng 4 ngập nắng, tiếng anh bộ đội biên phòng trong điện thoại ù ù cùng gió biển: “Ngoài này cũng phòng, chống dịch COVID-19 nhiệt tình em à. Tàu bè ngư dân thi thoảng vẫn cập cảng Trường Sa mà. Thời tiết rất nắng nóng, dân cư thì thưa thớt, nhưng không chủ quan được. Bộ đội mà mắc COVID thì lấy ai giữ đảo...” - vừa trao đổi cởi mở, anh bộ đội vừa cười rất giòn mà lòng dạ tôi lại nôn nao khó tả. Những ngày ra với đảo Trường Sa, gương mặt sạm nắng gió và nụ cười mặn mòi của những người lính đảo chợt ùa về - gần gụi, thân thương như vừa mới hôm qua...
Các chiến sĩ trẻ giao lưu cùng phóng viên báo chí |
Nhớ nhất vẫn là những người lính trẻ, gương mặt còn nguyên sự hồn nhiên, trong sáng, nụ cười thường trực trên môi. Những chàng lính ấy nếu ở nhà, đôi khi vẫn còn trêu em, nũng mẹ. Vậy nhưng ra với đảo, họ lại xem “gian khổ là lẽ thường”; rắn rỏi, kiên trung giữa muôn vàn sóng gió. Những chàng lính mà chỉ một lần thoáng gặp đã trở thành nhân vật trong những câu thơ chân thực đến nhói lòng của tác giả Nguyễn Thế Kỷ: “Tuổi 20 chưa từng hò hẹn/Trong đêm mơ còn gọi mẹ ơi”.
Cũng chính bởi những phút gặp gỡ đầy thương mến như thế nên ngày về đất liền, nghe tin ở đảo Sơn Ca có chiến sĩ tên Khuê bị tai nạn đang được trực thăng đưa vào đất liền cấp cứu, chị em trong đoàn công tác ra với Trường Sa, ai cũng nghẹn ngào. “Nhớ rồi, chàng trai đó đã tham gia hát cùng đoàn ta”, “Cái cậu nho nhỏ, da ngăm hay cười phải không? Chị vẫn còn giữ ảnh chụp chung với cậu ấy”...
Nếu ở đất liền, với bác sĩ và trang thiết bị y tế sẵn có - trường hợp tai nạn của Nguyễn Nhật Như Khuê không quá nguy kịch, nhưng ở đảo xa xôi, phương tiện di chuyển khó khăn, để sơ cứu, rồi đợi trực thăng bay mất nhiều giờ ra đảo đón Khuê về chạy chữa... giống như 1 kỳ tích. Bởi để Khuê sống và vận động bình thường được như hôm nay, các bác sĩ đã phải chạy đua với thần chết trong sự hồi hộp, lo lắng thắt ruột của đồng đội và người thân của Khuê...
Chiến sĩ trẻ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió |
Ngày ra thăm quần đảo Trường Sa, nhìn bộ đội ở nhà xây, trồng được rau xanh, chăn nuôi được gà, lợn, có máy lọc nước biển thành nước ngọt... tôi và không ít người đã thoáng nghĩ “sống ở Trường Sa đâu có khó”. Vậy nhưng, sau câu chuyện của Khuê và sự cố với một số chiến sĩ tiếp đó, tôi đã phần nào hiểu hơn rằng, ở đảo xa – có những bất trắc không thể lường trước và thật khó đong đếm.
Gắn bó với đảo, người chiến sĩ không chỉ đối mặt với nỗi nhớ gia đình thường trực, với sóng cuồng, bão dập, với nắng chói chang và biển mặn mòi. Đất nước thống nhất đã 45 năm, nhưng ngoài biển Đông, vẫn còn đó những “cơn sóng ngầm” đe doạ tới chủ quyền biển đảo của Tổ quốc – Những “cơn sóng ngầm” nguy hiểm ấy buộc người chiến sĩ phải luôn vững ý chí và chắc tay súng, sẵn sằng cho những tình huống cam go nhất có thể xảy ra.
*****
Tháng 4 – cây bàng vuông ở Trường Sa đang mùa ra hoa - những bông hoa tím nhẹ, đẹp dịu dàng. Tháng 4, cũng vừa tròn 45 năm các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần lượt được giải phóng, cùng đất nước làm nên một mùa xuân đại thắng.
Sống giữa phố phường yên bình trong những ngày tháng 4 ý nghĩa, xin được gửi lời tri ân tới những người giữ đảo và gửi những tình cảm thương mến tới những cán bộ, chiến sĩ mà tôi đã được gặp gỡ ở Trường Sa - những người sẵn sàng dâng hiến thanh xuân để Tổ quốc mãi trường tồn.