CôngThương - Đúng như dự đoán của Tổ Điều hành thị trường trong nước, mức tăng CPI tháng 8/2001 đã giảm tốc (tăng 0,93% so với tháng trước), là mức tăng thấp trong nhiều tháng qua.
Bắt đúng mạch
Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - đánh giá, trong cuộc họp tháng 7, trên cơ sở xác định đúng yếu tố tác động tới CPI là do nhóm hàng thực phẩm (nhất là giá thịt lợn), Tổ Điều hành thị trường trong nước đã trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong nước, hạn chế tình trạng tăng giá trong những tháng cuối năm.
Đến ngày 18/8, đã có kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá thị trường. Như vậy, phần lớn các kiến nghị của Tổ Điều hành đã được Chính phủ nhanh chóng đưa vào chỉ đạo các bộ, ngành, nguồn cung thực phẩm được cải thiện đáng kể. Hiện giá thực phẩm, nhất là giá thịt lợn đang dần ổn định. Bên cạnh đó, các chương trình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, lãi suất cho vay thỏa thuận ở hầu hết các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm (bình quân ở mức 18,73%/năm) đã góp phần giảm tốc CPI trong tháng 8.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 vẫn ở mức cao do tác động của giá thực phẩm, giá lương thực tăng và đây cũng là thời điểm diễn ra lễ Vu lan và chuẩn bị vào năm học mới. Như vậy, nếu so với tháng 12/2010, CPI 8 tháng đầu năm đã tăng 15,68%, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng trên 23%. Đây là mức tăng rất cao trong nhiều năm qua, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ để kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm.
Đồng bộ các giải pháp
Theo phân tích, tháng 9 sẽ có một số yếu tố tác động làm CPI tăng như Tết Trung thu, Tết Độc lập, khai giảng năm học mới, hơn nữa đây là mùa mưa bão. Một số mặt hàng như than - đầu vào của sản xuất điện, xi măng, giấy, phân bón đã tăng giá từ 25/8. Các mặt hàng thép, xi măng dự báo sẽ tăng nhẹ do chi phí đầu vào (phôi nguyên liệu, than, lãi suất ngân hàng, chi phí vận tải) tăng.
Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, các nền kinh tế lớn là Mỹ và Nhật đang rơi vào suy thoái kép, giá nguyên vật liệu- đầu vào của sản xuất tăng, giảm khó lường. Theo quy luật hàng năm, CPI tháng 9 thường có mức tăng cao hơn CPI tháng 8, nhưng trong tình hình lãi suất cho vay có xu hướng giảm và việc thực hiện Nghị quyết 11 phát huy hiệu quả, tình hình thị trường sẽ khả quan hơn. Vì vậy, Tổ Điều hành thị trường dự đoán, CPI tháng 9 sẽ tăng khoảng 0,8%, thấp hơn tháng 8.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường những tháng cuối năm, tại cuộc họp của Tổ Điều hành, nhiều ý kiến đề nghị ổn định giá bán than cho các hộ sản xuất lớn, hạn chế giá đầu vào của nhiều ngành sản xuất, xem xét giảm giá xăng dầu để ổn định tâm lý thị trường. Tổ Điều hành cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực, thực phẩm để có giải pháp điều hành phù hợp.