Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Tập trung kiểm soát những mặt hàng chủ đạo
Tỷ lệ vi phạm cao
Trên thực tế, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về ATTP
Đặc biệt, 2 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 27 cơ sở (11 cơ sở dịch vụ ăn uống, 16 cơ sở sản xuất), phát hiện và tiến hành xử phạt 5 cơ sở với số tiền phạt gần 39,5 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý 141 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, phạt hành chính hơn 695 triệu đồng…
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), năm 2014, trong tổng số 514.735 cơ sở được kiểm tra, có đến 152.750 cơ sở vi phạm, chiếm gần 22%. Các đoàn kiểm tra đã lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% số mẫu không bảo đảm chất lượng, nhiễm ecoli, coliform, nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chánh thanh tra (Sở NN&PTNT) - cho biết, tại Hà Nội, trong quý I/2015, qua kiểm tra đã xử lý 16 tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ an toàn vệ sinh thực phẩm, không có hồ sơ công bố chất lượng, vi phạm nhãn hàng hóa, không bảo đảm vệ sinh trong quá trình sơ chế, kinh doanh… với số tiền trên 100 triệu đồng. Trong đó, Sở đã tiến hành tiêu hủy 9.284 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Kiểm tra có trọng điểm
Để bảo đảm các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã và đang thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm, trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...
Trong tháng 4/2015, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, duy trì giám sát thực phẩm trong nước và nhập khẩu. Bộ đã ban hành Dự thảo chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội năm 2015. |
Với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", trong Tháng hành động vì ATTP, Hà Nội đã lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối rau, thịt; bảo đảm nguồn gốc rau, thịt và ATTP trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đây là đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Để kiểm soát tận gốc vi phạm ATTP, theo Bộ Y tế, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, với mức phạt tiền lên tới 100-200 triệu đồng, số tiền phạt có thể gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Mặt khác, sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất, sản phẩm vi phạm để người dân không sử dụng hoặc rút giấy phép lưu hành sản phẩm.