CôngThương - Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) tại 15 xã, phường của 7 huyện thuộc 4 tỉnh (Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang) làm hơn 28 nghìn con gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy. Ngoài ra, ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên 177 con chim trĩ nuôi tại Tiền Giang và trên 4000 con chim yến tại Ninh Thuận cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Dịch lở mồm long móng xảy ra tại 15 xã, phường của 9 quận, huyện thuộc 4 tỉnh (Sơn La, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh); tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 1.500 con.
Dịch tai xanh xảy ra tại 117 xã, phường của 34 quận, huyện, thuộc 11 tỉnh ( Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Nông, Ninh Thuận, Long An), tổng số lợn bị mắc bệnh là hơn 24 nghìn con, trong đó chết và tiêu hủy gần 13 nghìn con.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc” từ ngày 1 đến 31/5/2013.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Đối với chăn nuôi hộ gia đình, cần quét dọn sạch sẽ khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Bộ NN&PTNT đề nghị những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.
Các xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, kinh phí do ngân sách địa phương cấp.