Thanh Hóa: Dân dựng lều phản đối thu hồi đất nông nghiệp vì đền bù không thỏa đáng
Những ngày qua, hàng chục hộ dân tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã căng lều bạt tại khu vực cánh đồng Tám Làng để phản đối đơn vị thi công cho máy múc phá lúa khi người dân chưa chấp thuận giao đất nông nghiệp vì họ cho rằng giá đền bù không thỏa đáng.
Người dân dựng lều bạt giữa trưa nắng phản đối việc đơn vị thi công san ủi đất lúa khi chưa đồng ý việc đền bù giá đất. |
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khu vực ruộng Tám Làng có nhiều ruộng lúa đang xanh tốt đã bị máy múc vùi sâu dưới bùn. Một số ruộng lúa khác đã được đơn vị thi công đổ đá, san ủi, lu lèn cốt nền. Nhiều máy xúc, máy lu vẫn đang được tập kết tại cạnh chân ruộng.
Theo người dân địa phương, ngày 30/3 đơn vị thi công đã đưa nhiều máy móc đến khu vực thực hiện dự án để san lấp tại một số thửa ruộng của các hộ dân làm hư hại lúa. Thấy vậy, nhiều người dân đã ra phản đối và đã xảy ra va chạm giữa lực lượng chức năng. Để ổn định tình hình, UBND huyện Hà Trung đã yêu cầu nhà thầu dừng ngay việc thi công để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân.
Người dân xã Yến Sơn xót xa vì nhiều diện tích lúa đến thời kỳ trổ đòng bị san ủi |
Được biết, để thực hiện dự án Khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thu hồi 30ha đất với hơn 460 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện vẫn còn 103 hộ chưa nhận tiền đền bù do chưa đồng ý với mức giá theo khung giá Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn, huyện Hà Trung cho biết: Chính quyền địa phương đã thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi, cưỡng chế nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận do thắc mắc về giá đền bù đất. Xã cũng đã nhiều lần vận động nhưng người dân nhưng họ vẫn chưa đồng ý.
“Người dân cho rằng chúng tôi thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp nên muốn được đền bù theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là những dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất, việc đền bù được áp dụng theo quy định” - ông Nhân nhấn mạnh.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Xuân Dũng khẳng định: "Khu vực đất mà người dân có ý kiến đã được tỉnh quy hoạch để phát triển thành khu đô thị. Các bước quy trình về lập quy hoạch, danh mục đất được thu hồi đã được thực hiện đúng theo quy định.
Việc áp giá đền bù được thực hiện theo các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và của luật đất đai hiện hành. UBND tỉnh áp dụng trên địa bàn như thế nào thì dự án này cũng áp giá đền bù như thế. Huyện cũng đã có thông báo, đối thoại, tuyên truyền giải thích cho người dân rất nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng việc đền bù với giá 20 triệu đồng/sào (500 m2 - sào Bắc Trung Bộ) là quá thấp, nhưng đó mới là tiền đất, nếu cộng các tiền hỗ trợ khác thì khoảng hơn 52 triệu đồng/sào. Vấn đề này được thực hiện công khai, minh bạch, không giấu giếm gì cả”.
Nhiều diện tích lúa của người dân bị vùi sâu dưới bùn mất khả năng phát triển. |
Trước việc người dân phản ánh cùng một loại đất lúa, nhưng khi thu hồi làm nút giao Quốc lộ 217, người dân được đền bù cao hơn, trong khi dự án này lại được đền bù thấp hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Xuân Dũng giải thích: Đây đều là đất do nhà nước thu hồi, tuy nhiên nguồn vốn triển khai làm đường được vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), họ có khung hỗ trợ chính sách riêng.
“Tuy nhiên, trước phản ứng của người dân, huyện đã chỉ đạo cho tạm dừng việc thi công để tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận, sớm giao đất cho huyện triển khai dự án theo đúng tiến độ” - ông Dũng cho hay.