Thanh Hóa: Múa đèn xếp chữ và Hát chèo chải cổ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Ngày 21/2, tại xã Thiệu Quang, UBND huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ đón nhận /chu-de/di-san-van-hoa-phi-vat-the.topic phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn xếp chữ và Hát chèo chải cổ trong lễ hội Ngư Võng Phường.
Cục Di sản Văn hoá trao Quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn xếp chữ và Hát chèo chải cổ trong lễ hội Ngư Võng Phường cho xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa. |
Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ, Hát chèo chải cổ” bắt đầu từ khi có lễ hội tháng Giêng có tên là “Ngư Võng Phường” của làng Nhân Cao (xã Thiệu Quang). Do bối cảnh lịch sử và chiến tranh, từ năm 1954 đến năm 1976 bị mai một, đứt quãng, mãi đến năm 1977 mới được các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh và Trung ương cùng các nghệ nhân trong làng sưu tầm khôi phục và được hoạt động trở lại.
Theo sử sách, làng Nhân Cao nằm trong một vùng đất hoang rộng lớn, gần với khu vực ngã Ba Bông. Phía Đông Nam ngăn cách với dòng sông Mã. Tương truyền thuở ấy có một người đàn bà đang mang thai bị chết đuối không rõ từ đâu trôi dạt vào bờ hóa thành dãy núi nằm dọc ven sông. Dãy núi này có tên là Phúc Nhân, núi cũng là một con đê dài, nước sông Mã có dâng cũng không thể tràn vào vùng hữu ngạn được.
Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Hoàng Trọng Cường trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho 2 nghệ nhân ưu tú là Đàm Văn Sừ và Nguyễn Thị Thuỷ - những người có thành tích xuất sắc trong công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn xếp chữ và Hát chèo chải cổ trong lễ hội Ngư võng phường, xã Thiệu Quang. |
Thấy vậy, số người làm nghề chài lưới ở dưới sông lên tụ cư ở đây. Lúc đầu, họ dựng nhà tạm, ban ngày vẫn lênh đênh sông nước đánh bắt cá tôm, tối về nhà cơm nước sáng sớm hôm sau lại ra sông hành nghề. Khi dân cư đông đúc, họ đã tập trung khai phá đất hoang làm thành đồng ruộng, từ đây làng cũng bắt đầu hình thành. Trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đến nay làng đổi thành làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Các nghệ nhân làng Nhân Cao trình diễn nghệ thuật hát chèo chải cổ. |
Nghệ thuật trình diễn “Múa đèn xếp chữ, Hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường là những hoạt động nghệ thuật dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng sông nước của cộng đồng làng Nhân Cao, với mong muốn được dâng lên các vị thần linh, tổ nghề bằng tất cả lòng thành kính của mình. Hằng năm của làng Nhân Cao, “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng, trong dịp lễ hội Ngư Võng Phường và được tổ chức tại đình làng.
Các nghệ nhân làng Nhân Cao trình diễn nghệ thuật múa đèn xếp chữ. |
Nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ và Hát chèo chải cổ” có 8 tiết mục được trình diễn vào buổi tối ngày 12 tháng Giêng, trong đó, có 3 tiết mục hát và múa chèo chải cổ, và 5 tiết mục hát múa đèn xếp chữ. Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa luôn làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu tại lễ đón nhận. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Quang nói chung, các nghệ nhân và người dân làng Nhân Cao nói riêng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, thực hành, phát huy di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”, để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng, và được vinh danh, tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đề nghị: Các cấp chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Quang cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan để được hướng dẫn, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.