Tích cực gỡ bỏ thẻ vàng IUU EU sẽ gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU cho thủy sản Việt Nam trong 6 tháng tới? Đã đến giai đoạn có thể gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm các quy định của chính phủ về đề án khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong việc khắc phục những tồn tại trong khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định.
Thanh Hóa là tỉnh có 102 km chiều dài bờ biển, với 17.000 km2 nằm trải dài 6 huyện thị xã, thành phố (Ảnh HK) |
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số công văn, quyết định nhằm cụ thể hóa chỉ thị của trung ương trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thể hiện sự quyết tâm gỡ bỏ lệnh cấm của liên minh châu Âu. Xác định rõ mục tiêu, quan điểm về việc gỡ thẻ vàng không chỉ đơn thuần là việc các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, mà đây còn là cơ hội để nâng cao chất lượng hải sản của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Từ đó xây dựng phương án phù hợp để tuyên truyền cho ngư dân hiểu và làm theo.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đến từng xã, phường có nghề cá để vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Cục Kiểm ngư, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá của ngư dân. Tuyệt đối không để tình trạng tàu 3 không (không đăng ký; không giấy phép khai thác; không đăng kiểm) tham ra vào công tác khai thác hải sản. Thường xuyên kiểm soát chặt chẽ việc cập, rời cảng, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin về các trường hợp tàu vi phạm để kịp thời phối hợp xử lý.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, nên trong những năm qua số vụ vi phạm về IUU tại Thanh Hóa có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.100/1.112 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ gần 99,8% tàu cá vùng khơi, chỉ còn 12 tàu chưa lắp đặt do chủ phương tiện lâu nay đã không sử dụng. Việc ghi chép nhật ký khai thác và thông tin tàu cá ra vào cảng đối với các chủ tàu cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Không chỉ tạo sự chuyển biến tích cực từ những tàu cá ra khơi bám biển, mà việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng giúp cho những ngư dân hoạt động đánh bắt gần bờ được nâng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên bãi biển Thanh Hóa không còn tình trạng đánh bắt tận diệt như dùng lưới mắt nhỏ, hay sung điện...
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá Lạch Hới (Ảnh HK) |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn cho biết: “Sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, đến nay, 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình. Ngoài ra, nhận thức của ngư dân đã được nâng cao, không còn tình trạng tàu cá đánh bắt ngoài phạm vi lãnh hải, việc ghi chép nhật ký đánh bắt của chủ tàu cũng được thực hiện một cách nghiêm túc”.
Tạo sinh kế bền vững cho ngư dân
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 19.200 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng ước khoảng 13.500 tấn/năm; diện tích nuôi ngao 1.000 ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm; diện tích nuôi nước ngọt 14.100 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, việc đầu tư nuôi hải sản theo công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn về vốn cũng như rào cản về thời hạn thuê đất. Từ đó dẫn đến việc tập trung nguồn vốn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thành nghề vững mạnh, lâu dài còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Cư, trú tại phường Quảng Chính, huyện Quảng Xương chia sẻ: “Nuôi trồng thủy sản ngoài việc tạo công ăn việc làm cho ngư dân, giúp ổn định hệ sinh thái. Tuy nhiên những hộ nuôi trồng như tôi cũng gặp không ít khó khăn vì thời hạn thuê đất ngắn dẫn đến việc đầu tư công nghệ hiện đại vào ao nuôi còn hạn chế, nên sản lượng chưa cao”.
Cán bộ cảng cá Lạch Hới hướng dẫn việc ghi chép nhật ký đánh bắt theo đúng quy định (Ảnh HK) |
Ghi nhận tại TP. Sầm Sơn, để giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, những năm qua, TP. Sầm Sơn đã tập trung quan tâm, chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện các dự án, cũng như chuyển đổi nghề cho ngư dân không tham gia khai thác thủy sản.
Trong năm 2023, địa phương tập trung rà soát, đấu mối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, tạo việc làm mới cho 2.000 lao động, tổ chức tập huấn cho hơn 2.000 lao động là cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người lao động tham gia dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố có 170 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là ngư dân, con em ngư dân không tham gia khai thác thủy, hải sản...
Hy vọng với sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cùng với cả nước nói chung, Việt Nam sẽ sớm được gỡ "thẻ vàng” IUU, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt.