Thanh Hóa: Thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hoá qua Cảng biển Nghi Sơn
Chiều 7/8, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá tại Cảng biển Nghi Sơn. Dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo các sở ngành, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh hội nghị |
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận; được quy hoạch là cảng loại I và quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (cảng IA); là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Trong thời gian qua, cùng với việc tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng cảng biển, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, giảm chi phí hành chính, chi phí lưu kho bãi, giải phóng container nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cảng biển Nghi Sơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số thu ngân sách nhà nước của hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn đạt hơn 8.800 tỷ đồng. |
Đáng chú ý, đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn đã được các cấp có thẩm quyền ban hành.
Cụ thể, Nghị quyết số 37/2021 của Quốc hội, Thông tư số 21/2021 của Bộ Công Thương, Nghị quyết số 248/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng biển Nghi Sơn…đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Hiện Cảng biển Nghi Sơn đã có 02 hãng tàu mở tuyến vận tải biển vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế với 22 chuyến; tổng số container xuất, nhập khẩu qua cảng là 7.093 cont. Tuy nhiên, hoạt động khai thác Cảng biển Nghi Sơn vẫn chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn thu ngân sách nhà nước tại Cảng biển Nghi Sơn vẫn phụ thuộc lớn vào hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Số thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thường xuyên còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2023, số thu ngân sách nhà nước của hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn đạt hơn 8.800 tỷ đồng, bằng 87,2% so với cùng kỳ, đạt 66,97% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.
Hội nghị cũng đã được nghe đại diện các ngành, các doanh nghiệp làm rõ những thuận lợi và khó khăn, qua đó đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng biển Nghi Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, hoàn thiện và đưa vào khai thác đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng, hệ thống giao thông, sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ tốt nhất cho các tàu, phương tiện ra vào cảng và hoạt động xếp dỡ hàng hóa của các doanh nghiệp; đáp ứng tốt yêu cầu phát triển logistics trong Khu kinh tế Nghi Sơn và khu vực.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cam kết, sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo quy trình xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan, thuế. Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, các hãng tàu để nắm bắt và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, trật tự, an toàn ở khu vực cửa khẩu cảng và cho các hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng Nghi Sơn.