Thành phố thông minh chính là động lực tăng trưởng cho khu vực ASEAN
ASEAN là nơi tập trung của một vài trong số những thành phố lớn và phát triển nhanh nhất trên thế giới. ASEAN đã đô thị hóa hơn 40%, tính đến năm 2025, dự kiến sẽ có thêm hơn 90 triệu người sống tại các thành phố ASEAN và các đô thị ASEAN sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho khu vực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Lê Quang Hùng khẳng định, phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn vùng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,6%. Trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người dân gia nhập dân cư đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn tới những hệ quả như như quản lý chất lượng nước, không khí, quản lý giao thông, bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách thành thị - nông thôn, an ninh - an toàn công dân, và chất lượng cuộc sống nói chung.
Còn theo ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi Chính phủ nỗ lực trong phát triển đô thị, và các dự án thành phố thông minh. Một trong những nỗ lực đó là những chính sách khuyến khích phát triển thành phố thông minh và những thay đổi, cập nhật liên tục trong quy định quản về lý thành phố thông minh.
Đại diện cho thành phố thành viên mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN), ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến góc nhìn cụ thể hơn về những thách thức và cơ hội về giải pháp thông minh trong quá trình triển khai các dự án thành phố thông minh. Trong đó, định hướng quan trọng nhất là lấy người dân làm trung tâm, hướng đến kinh tế tri thức và kinh tế số, quản trị dựa trên dự báo; nâng cao năng lực lãnh đạo để phục vụ người dân tốt hơn và đồng thời góp phần giải quyết các hệ quả, tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa lên đời sống của thành phố.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã trải qua giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ, phát huy được lợi thế của khoa học và công nghệ. Nhật Bản có số lượng đô thị tương đồng như Việt Nam, khoảng 744 đô thị với 13 đô thị trên 1 triệu dân. Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa của Nhật Bản khá cao, ước tính hơn 93% với mật độ dân số khoảng 348 người/km2. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển các giải pháp và công nghệ, đặc biệt trong khía cạnh xây dựng và quản lý sẽ đóng góp vào quá trình xây dựng thành phố thông minh tại ASEAN.
Tại đây, Giáo sư, Tiến sĩ Yasukata Fukahori, Vụ trưởng Hợp tác khu vực, Tổng vụ Châu Á và Châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và ông ông Seiya Ishikawa, Giám đốc Chiến lược quốc tế, Cơ quan Phục hưng đô thị Nhật Bản đã chia sẻ rất cụ thể về kinh nghiệm của Nhật Bản trong tái thiết các đô thị và tạo dựng mạng lưới kết nối các thành phố thông minh. Các chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm và giải pháp cho xây dựng thành phố thông minh (trung tâm các-bon thấp với các giải pháp về năng lượng; cải thiện ô nhiễm nguồn nước…) và sẵn sàng để hợp tác với các đô thị ASEAN để cùng đồng hành phát triển thành phố thông minh, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa những tiện ích, dịch vụ, đã và đang làm thay đổi các mối quan hệ giữa người dân và chính quyền cũng như phương thức vận hành trong đô thị. Do vậy, việc quản lý và phát triển đô thị cũng phải tiếp cận theo xu hướng mới.
Một trong số đó là giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) hiện đang được Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel từng bước đưa vào áp dụng, góp phần tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng dữ liệu số trong quản lý cấp chính phủ, thành phố và công dân.
Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch Gamuda Land (Malaysia) ông Cheong Ho Kuan cho rằng một trong những giải pháp có thể tính đến là tận dụng mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh