Ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương - phát biểu khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra |
Theo ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, xác định thanh tra, kiểm tra là một trong những khâu quan trọng của quản lý nhà nước, vì vậy, công tác này luôn được đơn vị chú trọng. Các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ luôn tập trung vào lĩnh vực, khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, thu chi ngân sách, mua bán hàng hóa và dịch vụ, quản lý sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ và thực thi công vụ, liên kết đào tạo, sử dụng ngân sách trong nghiên cứu khoa học… nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, đưa ra các biện pháp phòng, chống, chấn chỉnh công tác quản lý; hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã thực hiện 5 cuộc kiểm tra và 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch, bao gồm 1 cuộc thanh tra hành chính, 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, 2 cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện nhiều cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ (4/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương) và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Điển hình như việc mua bán, quản lý, sử dụng than của PVN, PV Power đối với Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; thanh tra tình hình quản lý vốn, sử dụng tài sản, hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Nghệ An...
Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đầu năm 2017 đến nay, lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ đã tiếp 27 lượt công dân với 5 lượt đông người liên quan đến nhiều nội dung; tiếp nhận, xử lý 643 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cá nhân, tập thể, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước gửi, chuyển và do lãnh đạo Bộ giao xử lý. Việc tiếp công dân, giải quyết đơn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành nhiều văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng nội bộ, cũng như đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật liên quan; chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn.
Học viên tham dự Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ |
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lê Việt Long cho biết, Thanh tra Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra nội bộ; đẩy mạnh thanh tra kinh tế - xã hội nhằm phát hiện xử lý, ngăn ngừa hành vi vi phạm, chống thất thoát ngân sách, tài sản và nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và những lĩnh vực thường xảy ra vi phạm, còn nhiều yếu kém trong quản lý hoặc dư luận quan tâm; giải quyết dứt điểm vụ việc còn tồn đọng, kéo dài sau khi rà soát; phấn đấu giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực hóa chất, dầu khí, điện lực…
Đơn vị cũng tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thuộc thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng…
Với ý thức tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm, Thanh tra Bộ đã khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. |