Thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm tại các dự án du lịch ở Quảng Nam |
Ngày 1/12, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận Thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của UBND tỉnh Lâm Đồng, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2017, về các nội dung chủ yếu gồm: Việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch; Việc chấp hành chính sách pháp luật về kinh doanh du lịch, đầu tư du lịch; Việc cổ phần hóa doanh nghiệp du lịch.
Cụ thể, về việc đầu tư, hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với các doanh nghiệp trong hoạt động du lịch, phát triển du lịch, tổng số vốn đầu tư NSNN cho phát triển du lịch nhìn chung vẫn còn thấp so với nhu cầu phát triển. Hầu hết các dự án có quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, thời gian đầu tư thường kéo dài làm giảm hiệu quả đầu tư.
Về việc chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh du lịch về dịch vụ lữ hành, lưu trú, có không ít doanh nghiệp, cá nhân chấp hành chưa nghiêm, còn vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, gây những khó khăn nhất định trong công tác quản lý doanh nghiệp kinh doanh du lịch của cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương. Nhân sự trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm còn mỏng so với nhu cầu thực tế, nên chưa thể kiểm soát và xử lý triệt để các doanh nghiệp vi phạm các quy định của ngành du lịch trong quá trình kinh doanh.
Về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch, đa số các dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành việc xây dựng các hạng mục đã được phê duyệt mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền cho cam kết, gia hạn tiến độ thực hiện dự án. Việc thực hiện chính sách, pháp luật tại một số dự án còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 09 dự án vi phạm tại tỉnh Lâm Đồng gồm: Dự án Khu Du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và Sân golf Tuyền Lâm 18 lỗ do Công ty cổ phần Sacom - Tuyền Lâm làm nhà đầu tư; Dự án Khách sạn Lê Thành do Công ty TNHH Nhà hàng - Khách sạn Lê Thành làm nhà đầu tư; Dự án Khu du lịch Thung lũng Tình yêu do Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng làm nhà đầu tư; Dự án khu du lịch thác BOBLA do Công ty cổ phần Du lịch Bảo Lộc làm nhà đầu tư; Dự án Khu du lịch thác ĐamB’ri do Công ty cổ phần du lịch Đam B’ri làm nhà đầu tư; Dự án Khu nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, khách sạn cao cấp trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm do Công ty cổ phần Đất Việt – CP làm nhà đầu tư; Dự án Khu du lịch Cam Ly Măng Ling do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cam Ly Măng Linh làm nhà đầu tư...
Về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp du lịch giai đoạn 2007-2017 của tỉnh Lâm Đồng, cụ thể việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Lâm Đồng, đã trải qua 03 lần xác định giá trị doanh nghiệp (do việc tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của 02 lần đầu không thành công vì không có nhà đầu tư tham gia). Ngày 01/4/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1882/UBND-ĐMDN phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty Du lịch Lâm Đồng sau khi chuyển thành công ty cổ phần, theo đó Công ty Cổ phần được tiếp tục thuê và trả tiền thuê đất hàng năm đối với 07 lô đất. Tuy nhiên Công ty Du lịch Lâm Đồng không xây dựng lại phương án sử dụng đất để trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi UBND tỉnh đã loại khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Công ty (Khách sạn Hải Sơn, Nhà đất 31 Trương Công Định, Khu du lịch cáp treo Đà Lạt). Hồ sơ chỉ định thầu của Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa lần 3) còn thiếu các hợp đồng đã ký kết với các đơn vị đã được xác định giá trị doanh nghiệp trong thời gian 03 năm, chưa đủ điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
Đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp không tiến hành đối chiếu xác nhận các khoản công nợ phải thu, phải trả khi xác định giá trị doanh nghiệp, chưa đúng với quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ và khoản 2, khoản 3 Điều 9 Thông tư 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao sang Công ty cổ phần chưa thấy có chênh lệch đối với các khoản công nợ đã xác định để phải xử lý. Năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ định cho Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng thuê lại Nhà 31 Trương Công Định với giá thuê là 66,048 triệu đồng/năm (ngày 06/11/2019 là 8,352 triệu đồng/tháng), Khách sạn Hải Sơn với giá thuê 811,8 triệu đồng/năm (ngày 24/6/2020 là 104,4 triệu đồng/tháng).
Một số công trình xây dựng trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Văn Yên |
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng sớm hoàn thành công tác đền bù, GPMB Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; chấm dứt tình trạng người dân làm bè, lán trại để đánh bắt cá gây mất cảnh quan, xử lý nguồn nước mặt có dấu hiệu ô nhiễm ở một số khu vực; Xem xét, phê duyệt đề xuất của Chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng - cao cấp và Sân golf Tuyền Lâm 18 lỗ được chuyển hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang một lần cho cả thời gian thuê; nghiên cứu, xem xét đề xuất của Chủ đầu tư xin cấp phép được khai thác lâm sản trên phần diện tích đã được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện xây dựng các hạng mục công trình chưa đầu tư.
Cùng với đó, yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng xây dựng phương án sử dụng đất đối với 04 lô đất (Lô đất diện tích 2.836 m2 tại số 10 Quang Trung, phường 9, TP Đà Lạt; Lô đất diện tích 3.231 m2 tại đèo Preen, phường 3, TP Đà Lạt; Lô đất diện tích 10.400 m2 tại Khu du lịch dã ngoại Hồ Tuyền Lâm, phường 4, TP Đà Lạt; Lô đất diện tích 2.544,2 m2 tại số 05 Nguyễn Thái Học, TP Đà Lạt) theo quy định của pháp luật, không để lãng phí; Kiểm tra, rà soát đơn giá cho thuê nhà trên thị trường để kịp thời phê duyệt - điều chỉnh đơn giá cho Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng thuê nhà 31 Trương Công Định, Khách sạn Nice Dream (Khách sạn Hải Sơn cũ) đảm bảo không để thất thoát ngân sách nhà nước.
Về xử lý hành chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm theo quy định của pháp luật; yêu cầu các sở, ngành, cơ quan liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã nêu trong phần kết quả thanh tra kiểm điểm theo quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra.